Báo cáo phát triển bền vững giúp doanh nghiệp niêm yết đi xa hơn

Trên thực tế, chất lượng báo cáo của các doanh nghiệp vẫn “giậm chân” tại giai đoạn khởi động. Trên thị trường, có rất ít công ty lập được báo cáo hoặc đạt tiêu chuẩn thế giới GRI.
Các nhà đầu tư tổ chức luôn chú trọng tới các báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Báo cáo phát triển bền vững không còn xa lạ với các công ty đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, kể từ khi Thông tư 155/2015/TT-BTC ra đời và có hiệu lực từ 1/1/2016.

[Pháp, Đức gần đạt được thỏa thuận về cải cách khu vực Eurozone]

Tuy nhiên trên thực tế, chất lượng báo cáo của các doanh nghiệp vẫn “giậm chân” tại giai đoạn khởi động. Trên thị trường, có rất ít công ty lập được báo cáo hoặc đạt GRI (tiêu chuẩn áp dụng trên thế giới).

Từ thực tế đó, Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) cùng Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã tổ chức hội thảo “Báo cáo Phát triển bền vững cho doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam,” ngày 18/6.


Doanh nghiệp làm báo cáo không đồng nhất

Tại hội thảo, đại diện cho một quỹ đầu tư quốc tế hoạt động nhiều năm tại Việt Nam, ông Phạm Nguyên Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quỹ Dragon Capital cho biết, các công ty Việt Nam đang thực hiện báo cáo bền vững không đồng nhất, không có tiêu chuẩn cụ thể, vì vậy không đáp ứng được yêu cầu từ phía các nhà đầu tư.

“Các nhà đầu tư và đặc biệt là các tổ chức quốc tế đang tìm kiếm ngày càng nhiều công bố thông tin phi tài chính từ các doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của doanh nghiệp mà họ đang đầu tư,” ông Vinh nói.

Bối cảnh chung, Việt Nam hiện rơi vào nhóm 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu đồng thời phải đối mặt với những thách thức và sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế và các tác động đến môi trường - xã hội (như an toàn lao động và ô nhiễm môi trường...)

Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg - Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh để đảm bảo phát triển kinh tế một cách bền vững.

Gần đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 155/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó đã tích hợp các thông tin về môi trường - xã hội và quản trị công ty vào mẫu báo cáo thường niên.

“Theo kế hoạch hành động của ngành tài chính, trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp phải tích hợp các chính sách và thông lệ về môi trường - xã hội, quản trị công ty (ESG) vào chiến lược và hoạt động thường ngày là xu thế tất yếu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện và xây dựng kế hoạch ứng phó đối với các rủi ro,” ông Điền nhấn mạnh.

Hội thảo “Báo cáo Phát triển bền vững cho doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam,” ngày 18/6. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Phải thống nhất từ “thượng tầng”

Trao đổi tại Hội thảo, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thực hiện tiêu chuẩn GRI đồng thời phối hợp làm các bài tập nhóm, xác định các bên liên quan và các chủ đề trọng yếu…

Các bài thực hành này nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững được dễ dàng hơn.

Bà Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng phòng Truyền thông của Tập đoàn Bảo Việt (đơn vị được nhận được giải thưởng báo cáo Bền vững châu Á tốt nhất năm 2017), chia sẻ, để có một báo cáo hiệu quả thì từ hội đồng quản trị đến lãnh đạo công ty phải có cam kết và xác định tầm nhìn. Và, sau khi thành lập được nhóm thực hiện báo cáo, dự án tiếp tục nhận diện và đánh giá tính trọng điểm của các bên liên quan trong công ty. Tiếp đến, họ xác định nội dung báo báo theo các căn cứ trên khung tiêu chuẩn đồng thời phải sử dụng kết quả báo cáo vào trong kế hoạch hành động của công ty.

Về yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện các báo cáo phát triển bền vững để tham gia đối thoại với các nhà đầu tư, ông Phạm Nguyên Vinh  nhấn mạnh: “Trên thị trường, 1.900 tổ chức tài chính tham gia đầu tư có trách nhiệm và số vốn họ đang quản lý đến 68.000 tỷ USD. Các doanh nghiệp nên tận dụng thu hút các nguồn vốn này thông qua báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp.”

Đại diện của GRI tại Việt Nam, Ông Nguyễn Công Minh Bảo cho biết, GRI giới thiệu các công ty niêm yết của Việt Nam tham gia Chương trình Thương mại Cạnh tranh do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững đồng thời đảm bảo tính xuyên suốt trong chuỗi giá trị. Theo đó, các công ty sẽ được đào tạo và huấn luyện miễn phí cũng như quyền truy cập vào Hệ thống Báo cáo trực tuyến của GRI để thuận lợi hơn trong việc lập báo cáo phát triển bền vững.

“Chúng tôi tin rằng trên khía cạnh tuân thủ, nếu các doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững, họ sẽ được trang bị thêm thông tin để hiểu các tác động của mình tới nền kinh tế, môi trường và xã hội. Điều này sẽ giúp họ đưa ra những quyết định kinh doanh đúng đắn hơn,” ông Bảo nói./.

Ông Phạm Nguyên Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quỹ Dragon Capital trả lời phỏng vấn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục