​Báo cáo Chính phủ việc chuyển từ trạm thu phí sang trạm thu giá

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật Phí và Lệ phí đã được Quốc hội thông qua.
Trạm thu giá Nam Bình Định đặt trên quốc lộ 1A tại địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi từ “trạm thu phí BOT” sang “trạm thu giá BOT,” Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vấn đề này.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật Phí và Lệ phí đã được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, giai đoạn trước 1/1/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10, theo đó “Phí sử dụng đường bộ” nằm trong danh mục phí, lệ phí quy định tại Pháp lệnh này và do Nhà nước quản lý, ban hành (đối với quốc lộ thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính ban hành, đối với đường địa phương thẩm quyền Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành).

Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ như: Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 7/9/2004 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ và Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

Đối với từng dự án cụ thể, Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định mức thu riêng cho từng dự án và mức thu nằm trong khung quy định chung tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

“Như vậy, trước thời điểm 1/1/2017, dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được quản lý theo cơ chế phí ban hành theo Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính,” Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Giai đoạn từ 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017. Theo danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá ban hành kèm theo Phụ lục 02 của Luật Phí và Lệ phí này thì có 17 loại phí được chuyển thành giá sản phẩm, dịch vụ trong đó “Phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.” 

[Bộ trưởng GTVT lý giải vì sao trạm thu phí đổi thành trạm thu giá?]

Trên cơ sở Luật phí và Lệ phí và Luật Giá, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; trong đó, khoản 7, Điều 1 quy định: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm: quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do trung ương quản lý.

Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.

“Do đó, kể từ 1/1/2017 dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được thực hiện quản lý theo cơ chế giá là phù hợp với Luật Phí và Lệ phí, Luật Giá và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ,” văn bản Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, triển khai Luật Phí và Lệ phí, Luật Giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và Thông tư 49/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

“Tại các Thông tư này đã quy định rõ, đầy đủ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông.” Tuy nhiên, có một số trường hợp các nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận vừa qua,” Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: “Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến của người dân, các cơ quan báo chí và sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi cho phù hợp”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục