Báo Anh: Hiểu giá trị của giáo dục giúp VN có thành tích học tập cao

Theo The Economist, học sinh Việt Nam được học tập trong hệ thống giáo dục thuộc hàng tốt nhất thế giới, phản ánh qua thành tích xuất sắc tại các cuộc đánh giá quốc tế về đọc, toán và khoa học.
Theo The Economist, các thầy cô giáo của Việt Nam đã cho thấy sự hiệu quả trong giảng dạy. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Trong bài viết gần đây có tựa đề “Why are Vietnam’s schools so good?” (tạm dịch: Vì sao các trường học của Việt Nam tốt như vậy?), tờ The Economist của Anh nhận định Việt Nam là quốc gia hiểu rõ giá trị của giáo dục và quản lý tốt các giáo viên của mình.

Mở đầu bài viết, The Economist dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.”

Theo tờ báo Anh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức khoảng 3.760 USD - thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Malaysia, nhưng “đủ để một người Việt Nam bình thường cảm thấy được nuôi dưỡng tốt.”

Tuy nhiên, không chỉ dừng ở góc độ kinh tế, lợi ích của giáo dục còn được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác và trên các phương diện này, “người Việt Nam có thể ít phải phàn nàn.”

Theo The Economist, trẻ em Việt Nam đang được học tập ở “một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới” - được thể hiện qua thành tích xuất sắc trong những cuộc thi quốc tế về đọc hiểu, toán học và các môn khoa học khác.

Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn đồng trang lứa ở Thái Lan và Malaysia, mà còn ở Anh và Canada - những quốc gia “giàu có hơn gấp sáu lần.” Ở Việt Nam, điểm số của học sinh không có sự khác biệt lớn xét theo giới tính cũng như các vùng miền khác nhau.

“Xu hướng học tập của mỗi đứa trẻ là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó phần nhiều bắt nguồn từ gia đình với cha mẹ và môi trường mà các em lớn lên.

Nhưng chỉ riêng điều đó là chưa đủ để giải thích thành tích (học tập) xuất sắc của Việt Nam. Bí mật nằm ở lớp học: Trẻ em Việt Nam học ở trường nhiều hơn, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời.” - The Economist nhận định.

Trong một nghiên cứu năm 2020, chuyên gia Abhijeet Singh của Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) nhận định các trường học của Việt Nam có “hiệu suất” cao hơn, bằng việc đánh giá dữ liệu từ các bài kiểm tra tương tự nhau do các học sinh ở Ấn Độ, Peru, Ethiopia và Việt Nam thực hiện.

[Bộ GD-ĐT: Không có vướng mắc trong việc lựa chọn sách giáo khoa]

Chuyên gia này chỉ ra rằng trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5-8 tuổi đang “vượt lên trong cuộc đua,” đồng thời cho rằng thêm một năm học ở Việt Nam có thể giúp trẻ em tăng khả năng giải một bài toán nhân đơn giản lên 21 điểm phần trăm; còn ở Ấn Độ, mức tăng là 6 điểm phần trăm.

Các trường học Việt Nam cũng đang dần cải thiện theo thời gian.

Theo một nghiên cứu được các chuyên gia tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu - có trụ sở tại Washington D.C. (Mỹ) - thực hiện và công bố hồi năm ngoái, chất lượng giáo dục tại 56 trong số 87 quốc gia đang phát triển đã đi xuống kể từ những năm 1960.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia nơi các trường học đi ngược lại xu hướng này.

Các thầy cô giáo của Việt Nam đã cho thấy sự hiệu quả trong giảng dạy - theo The Economist. Ở Việt Nam, các thầy cô được đào tạo thường xuyên, đồng thời được khuyến khích phát huy tính sáng tạo để lớp học trở nên hấp dẫn hơn.

Một số chính sách khác cũng giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả của giáo dục, chẳng hạn như những hỗ trợ tài chính dành cho giáo viên làm việc ở vùng sâu vùng xa, hay việc khen tặng danh hiệu “giáo viên dạy giỏi” dành cho những thầy cô có học trò có thành tích học tập tốt.

Các tỉnh được yêu cầu dành 20% ngân sách cho giáo dục, giúp đảm bảo sự công bằng cũng như duy trì những tiêu chuẩn và chương trình giảng dạy chung ở các vùng miền.

Bữa ăn bán trú của các em học sinh tại một trường học ở tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)

Ông Ngô Quang Vinh, quan chức phụ trách lĩnh vực xã hội tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhận định các gia đình Việt Nam có một sự ưu tiên dành cho giáo dục.

Các bậc cha mẹ ít điều kiện vẫn cố gắng dành tiền cho con học thêm, còn ở các thành phố, nhiều phụ huynh nỗ lực cho con theo học ở những trường có giáo viên “giảng dạy xuất sắc.”

Cùng tất cả những điều này, Việt Nam đã “gặt hái” những phần thưởng xứng đáng. Khi các trường học được cải thiện, nền kinh tế Việt Nam cũng tiến lên, The Economist nhận xét.

Tuy nhiên, tăng trưởng cũng đang đặt ra nhiều thử thách cho hệ thống giáo dục - Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong Phùng Đức Tùng nhận xét.

Các công ty ngày càng có xu hướng tuyển dụng người lao động giàu kỹ năng hơn. Tăng trưởng cũng kéo theo dòng người chuyển đến các thành phố, làm quá tải các trường học đô thị. Ngày càng có nhiều giáo viên từ bỏ giáo dục để chuyển sang làm những công việc được trả lương cao hơn trong khu vực tư nhân.

Chính phủ sẽ phải giải quyết những thách thức trên để đảm bảo Việt Nam vẫn là quốc gia có chất lượng giáo dục tốt - chuyên gia Phùng Đức Tùng cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục