Bánh tráng Phú Yên - món ăn dân dã mang hương vị nắng gió

Chiếc bánh tráng Phú Yên mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua, ít bị dính khi nhúng nước dùng để cuốn thức ăn và khi nướng thì rất thơm.
Bánh tráng Phú Yên - món ăn dân dã mang hương vị nắng gió ảnh 1(Nguồn: phuyentourism.gov.vn)

Nhắc đến những món ăn dân dã của vùng đất Phú Yên, không thể bỏ qua bánh tráng - món ăn quen thuộc, gắn liền với đời sống của người dân địa phương từ nhiều đời nay.

Bánh tráng Phú Yên cũng là một trong những loại bánh làm từ bột gạo, ở miền Bắc được gọi là bánh đa. Với giá thành rẻ, thường được ứng dụng trong nhiều món ăn, bánh tráng trở thành một món quà không thể thiếu.

Để làm ra bánh tráng đòi hỏi người làm nghề phải thực sự khéo léo và tinh tế. Quan trọng nhất là lựa chọn loại gạo phù hợp, yêu cầu chuẩn mực trong việc pha chế bột gạo và nước sao cho không quá đặc hay quá loãng.

Đầu tiên bắt đầu từ khâu chọn gạo để ngâm mềm trong 3-4 giờ, đem xay bột, rồi rộng bột để tách nước chua trong gạo và cũng để bột tạo thêm độ kết dính.

[Bản đồ ẩm thực Việt Nam từ món ăn, đặc sản của 63 tỉnh, thành]

 Đến khâu tráng bánh cũng không phải đơn giản, theo lời của một người dân chuyên nghề làm bánh, “tráng bánh không khó nhưng phải xoay vá đều tay để bột dàn đều, chớ nếu không cái bánh sẽ chỗ dày chỗ mỏng…”. Cái bánh khi ra lò ngon hay không còn đòi hỏi sự khéo léo của những người thợ trong việc tráng bánh đều tay.

Đối với bánh tráng nướng, có thể trộn bột với nước cốt dừa, hành củ …  tạo nên mùi thơm đặc trưng khi nướng bánh.

Vài phút sau khi bánh chín, bánh được mang ra phơi nắng tự nhiên để cho thật khô. Sau khi phơi khô, bánh được xếp thành từng chồng, bọc gói cẩn thận và có thể ăn bất cứ lúc nào. Nếu có cách bảo quản tốt thì bánh sẽ để được cả năm.

Những thợ làm bánh thủ công phải dậy từ 3-4h sáng để tranh thủ khi trời nắng lên là có bánh đem phơi. Nắng càng gắt bánh càng nhanh khô, dẻo và ngon hơn. Chẳng vì thế mà bánh tráng dù được chế biến với nguyên liệu quen thuộc, phơi trong cái nắng giòn cho ra hương vị đặc trưng của làng quê.

Thường có hai loại bánh tráng cơ bản là bánh tráng khô và bánh tráng nướng. Đối với bánh tráng khô, mọi người thường dùng để cuốn với các nguyên liệu như rau sống, thịt, cá, hải sản... Ở mỗi vùng miền món cuốn lại có nét đặc trưng riêng, hương vị tùy thuộc vào khẩu vị của người dân địa phương cũng như các nguyên liệu tươi ngon sẵn có.

Trong khi đó, bánh tráng nướng thường được xem là món ăn chơi, ăn vặt, xúc gỏi (nộm).

Nếu có dịp đến với Phú Yên, bạn có thể thấy vùng nào cũng có lò làm bánh tráng, bởi ở đây hầu như món nào cũng có bánh tráng, dùng để cuốn hoặc nướng, có khi là món khai vị, có khi lại là món chính trong mỗi bữa tiệc. Phú Yên có nhiều làng nghề bánh tráng nổi tiếng như làng bánh tráng Hòa Đa, bánh tráng Đông Bình... Công việc sản xuất bánh tráng đã gắn với cuộc sống của nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Từ sự tỉ mỉ trong việc sử dụng nguyên liệu đến sự thuần thục của người tráng bánh được đúc kết qua nhiều thế hệ, làm nên thương hiệu bánh tráng Phú Yên có tiếng trong văn hóa ẩm thực của người miền Trung. Chiếc bánh tráng Phú Yên mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua, ít bị dính khi nhúng nước dùng để cuốn thức ăn và khi nướng thì rất thơm. Bột làm bánh tráng Phú Yên không cần pha thêm bột sắn như một số loại bánh tráng ở địa phương khác. 

Bánh tráng Phú Yên - món ăn dân dã mang hương vị nắng gió ảnh 2(Nguồn: Phú Yên Tour)

Bánh tráng là phần tự hào trong văn hóa của mỗi người con đất Phú Yên. Giờ đây, để phù hợp hơn với người dùng, những người thợ cũng tạo ra những chiếc bánh với nhiều kích cỡ; nguyên liệu, chất lượng bánh ngày càng tốt hơn.

Bánh tráng hiện hữu trong các bữa ăn hằng ngày của nhiều người dân và còn là món quà đặc sản dân dã của vùng đất Phú Yên.

Tuy nhiên, hiện nay nghề bánh thủ công với lò đất, bếp lửa và những chiếc bánh tráng tay đang đứng trước sự cạnh tranh lớn, đó là sự ra đời của những dây chuyền sản xuất bánh tráng bằng máy hiện đại, năng suất gấp chục lần bánh tráng thủ công.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm bánh tráng Phú Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 1/2022 cũng là một trong các biện pháp để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục