Bánh Ngải: Đặc sản độc đáo của đồng bào Tày xứ Lạng

Được xem người Tày làm món bánh ngải cũng như thưởng thức món đặc sản này là một trải nghiệm không thể bỏ qua của du khách khi tới xứ Lạng.
Bánh Ngải làm từ lá cây ngải cứu, là món ăn đặc sắc của người dân tộc Tày Lạng Sơn (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)
Bánh Ngải làm từ lá cây ngải cứu, là món ăn đặc sắc của người dân tộc Tày Lạng Sơn (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)

Bánh Ngải là đặc sản nổi tiếng của người dân tộc Tày ở tỉnh Lạng Sơn. Trước đây, khi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, bánh Ngải thường chỉ được dùng trong các lễ hội mừng lúa mới, ngày lễ Tết hay những ngày lễ quan trọng.

Ngày nay, khi đời sống của người dân ở các vùng núi được nâng cao thì bánh Ngải trở thành thực phẩm hàng ngày.

Trong văn hoá tâm linh của người dân tộc Tày, bánh Ngải có giá trị và ý nghĩa như giá trị của bánh chưng, bánh dày trong ngày Tết truyền thống của dân tộc Kinh.

Nguyên liệu chính để làm bánh gồm: Lá ngải (ngải cứu), gạo nếp, vừng và đường phên. Những nguyên liệu này tuy là những thực phẩm gần gũi với đời sống của người dân tộc Tày nhưng được tuyển chọn rất kỹ càng và cẩn thận. Gạo làm bánh phải là gạo nếp nương không được lẫn gạo tẻ, đường chấm bánh phải là đường phên, có màu vàng, ngọt, không có sạn và lá ngải phải tươi, non, có màu xanh thẫm.

Đối với đồng bào dân tộc Tày, loại bánh này được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chính vì lẽ đó mà nó trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ Tết.

Ngày nay, được xem người Tày làm bánh ngải cũng như thưởng thức món đặc sản này là một trải nghiệm không thể bỏ qua của du khách khi tới xứ Lạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục