Bangladesh đề nghị IMF hỗ trợ ngăn chặn khủng hoảng tài chính

Dệt may và kiều hối là nguồn thu ngoại tệ chính của Bangladesh song hai ngành này đều đang sụt giảm do ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Bangladesh đề nghị IMF hỗ trợ ngăn chặn khủng hoảng tài chính ảnh 1Công nhân một nhà máy may mặc ở Dhaka trong giờ nghỉ trưa. (Nguồn: Reuters)

Truyền thông Bangladesh dẫn các nguồn tin quan chức cho biết nước này đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ ngăn chặn khủng hoảng tài chính do tác động tiêu cực của giá năng lượng tăng vọt.

Báo Prothom Alo ngày 27/7 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Bangladesh Mustafa Kamal cho biết Chính phủ Bangladesh đã đề nghị IMF khởi động đàm phán về một khoản vay trong một bức thư gửi thể chế tài chính này ngày 24/7, nhưng trong thư ông không nêu cụ thể số tiền vay.

Theo một số nguồn thạo tin, Chính phủ Bangladesh chưa quyết định số tiền sẽ vay IMF.

Bộ trưởng Kamal nêu rõ Chính phủ Bangladesh đề nghị IMF bắt đầu đàm phán chính thức về khoản vay hỗ trợ ngân sách và cán cân thanh toán. Thời điểm và số tiền vay sẽ tùy thuộc vào phía IMF. Tuy nhiên, ông khẳng định tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay của Bangladesh "không có gì đáng lo ngại."

[IMF: Đàm phán về gói viện trợ với Sri Lanka có thể sớm hoàn tất]

Trong khi đó, một quan chức cấp cao IMF cũng xác nhận Bangladesh đã đề nghị tổ chức tài chính toàn cầu này bắt đầu thương lượng về khoản vay mới trong khuôn khổ Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững.

Quỹ này có hạn mức cho vay tối đa 150% mức cam kết đóng góp tài chính của một nước thành viên đối với IMF. Trong trường hợp này, Bangladesh có thể được vay tối đa 1 tỷ USD.

Trong khi đó, tờ Daily Star của Bangladesh ngày 26/7 đưa tin chính phủ nước này muốn vay IMF 4,5 tỷ USD.

Trong những năm qua, Bangladesh là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine khiến giá trị nhập khẩu hàng hóa và thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này gia tăng.

Dệt may là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Bangladesh. Ngành này có nguy cơ chịu tác động lớn nếu doanh số giảm tại các thị trường chính ở châu Âu và Mỹ do kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Sau dệt may, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ nhiều thứ hai của Bangladesh. Tính đến ngày 20/7, dự trữ ngoại hối của quốc gia Nam Á này đã giảm từ 45,5 tỷ USD cách đây một năm xuống còn 39,67 tỷ USD, chỉ đủ nhập khẩu hàng hóa trong hơn 5 tháng.

Trong khi đó, thâm hụt tài khoản vãng lai từ tháng 7/2021-5/2022 là 17,2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 2,78 tỷ USD cùng kỳ năm trước đó do thâm hụt thương mại tăng và kiều hồi giảm.

Ngoài Bangladesh, hai quốc gia Nam Á khác là Sri Lanka và Pakistan cũng đã tìm kiếm sự hỗ trợ của IMF năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục