Bangladesh: Bầu cử kết thúc nhưng cuộc chiến chưa kết

Liên đoàn Awami tuyên bố thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bạo lực nhất và số cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong lịch sử Bangladesh.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 10 tại Bangladesh đã kết thúc, song vẫn chưa đến hồi kết.

Trước tình trạng phe đối lập vẫn không khoan nhượng trong "cuộc chiến" với liên minh cầm quyền, bạo lực có thể bùng phát mạnh hơn và có nguy cơ phá hủy ngành công nghiệp may mặc trị giá 22 tỷ USD, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Báo Daily Star của Bangladesh đã mô tả cuộc bầu cử Quốc hội ngày 5/1 là cuộc bầu cử chết chóc nhất trong lịch sử đất nước Nam Á này.

Bài báo cho rằng với chiến thắng đã được dự đoán trước và rỗng tuếch, AL không có đủ sứ mạng hoặc chỗ đứng "đúng quy cách" để điều hành đất nước một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, bài báo cũng chỉ trích vai trò của phe đối lập trong làn sóng xung đột tại Bangladesh.

Liên đoàn Awami (AL) cầm quyền tại Bangladesh đã tuyên bố thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bạo lực nhất và số cử tri tham gia bỏ phiếu thấp nhất trong lịch sử nước này, chỉ có 22% số cử tri đi bỏ phiếu so với con số 87% của cuộc bầu cử năm 2008.

Bạo lực đẫm máu đã diễn ra trước, trong và sau bầu cử, làm khoảng 300 người thiệt mạng kể từ tháng 2/2013.

Quốc hội Bangladesh có tất cả 350 ghế, trong đó 300 ghế bầu trực tiếp và 50 ghế dành cho phụ nữ. Vì phe đối lập do đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) của cựu Thủ thướng Khaleda Zia đứng đầu tẩy chay bầu cử nên khoảng một nửa số ghế không có đối thủ, mở đường cho AL giành thắng lợi lớn.

Mặc dù thắng lợi của AL không ai nghi ngờ, song bạo lực liên quan đến cuộc bầu cử ngày 5/1 sẽ đẩy đất nước Bangladesh vào tình trạng rối loạn chính trị, khiến kinh tế càng đình đốn hơn.

Riêng ngày 5/1, ít nhất 18 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực và ngay sáng hôm sau thêm ba người thiệt mạng và khoảng 24 người bị thương trong các cuộc đụng độ tại khu vực Dohar, ngoại ô thủ đô Dhaka.

BNP tiếp tục phát động một cuộc bãi công 48 giờ trên toàn quốc, đòi hủy bỏ kết quả bầu cử.

Giới phân tích cho rằng, mối hận thù chính tại Bangladesh có thể được suy xét lại trong nhiều thập niên qua, bởi đương kim Thủ tướng Sheikh Hasina và cựu Thủ tướng Khaleda Zia luôn ganh đua quyết liệt để giành quyền lực.

Đất nước Nam Á này được hai người phụ nữ xuất thân từ hai gia đình chính trị đầy quyền lực thay nhau lên cầm quyền trong gần 22 năm qua.

Bà Zia yêu cầu bà Hasina từ chức và thành lập một chính phủ lâm thời trung lập đứng ra tổ chức cuộc tổng tuyển cử, song yêu cầu này không được chấp nhận. Kết quả là những tranh cãi bằng lời đã dẫn tới tình trạng bạo lực bùng phát trên toàn quốc giữa những người ủng hộ liên minh cầm quyền và những người ủng hộ phe đối lập.

Chiều 6/1, Thủ tướng Hasina đã lên tiếng nói rõ lập trường của mình rằng cuộc bầu cử mới có thể diễn ra nếu các đối thủ của bà chấm dứt bạo lực.

Phát biểu tại khu vườn ở dinh thự của mình, bà Hasina nói "một cuộc bầu cử mới có thể diễn ra bất cứ thời điểm nào khi BNP chấp nhận đối thoại, nhưng họ phải chấm dứt bạo lực."

Trong khi đó, bà Zia tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không thể giải quyết bằng cách hầu như bà bị quản thúc và phe đối lập vẫn bị đàn áp.

"Tọa sơn quan hổ đấu," người dân Bangladesh đang chờ đợi hai người phụ nữ quyền lực sẽ dẫn đất nước đi đến đâu? Bạo lực sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ tăng thêm nỗi khổ cho người dân Bangladesh mà thôi.

Hy vọng bà Zia sẽ chấp nhận đề nghị thiện chí mới nhất của đương kim Thủ tướng Hasina để có thể tiến tới đối thoại nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, tránh để đất nước Nam Á này rơi vào cảnh "nồi da nấu thịt."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục