Ngày 8/1, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo điện tử VietNamNet tổ chức Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam Top 10 Công ty uy tín các ngành năm 2020.
Sự kiện này nhằm tôn vinh những doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, với những góp phần không nhỏ trong nỗ lực chung đưa nền kinh tế trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và vẫn giữ được mức tăng trưởng dương.
Với vai trò “đầu tàu” dẫn dắt và định hướng, các doanh nghiệp lớn như cộng đồng doanh nghiệp VNR500 và Top 10 đã và đang khẳng định vai trò của mình, nâng cao vị thế doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng, đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học-công nghệ, đưa chuyển đổi số vào hoạt động doanh nghiệp để vững vàng đương đầu với khủng hoảng kinh tế.
Điểm qua danh sách 500 doanh nghiệp lớp nhất Việt Nam có thể nhắc tới một số thương hiệu như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động; Công ty cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn; Tổng công ty Hàng không Việt Nam...
Dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo các tiêu chuẩn quốc tế mà Vietnam Report thực hiện, Bảng xếp hạng VNR500 và Top 10 Công ty uy tín đã ghi nhận và tôn vinh thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đến từ khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Đây là chuỗi nghiên cứu có giá trị tham khảo đối với nhiều khách hàng, đối tác và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về những tên tuổi nổi bật, là những “cánh chim đầu đàn” trong các ngành trọng điểm.
[Công bố Bảng xếp hạng VNR500-Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam]
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao sáng kiến của ban tổ chức sự kiện và nhấn mạnh, chuyển đổi số thực sự đang dần trở thành một cuộc “cách mạng,” nhất là sau cú hích từ đại dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành trọng điểm đều đặt vấn đề áp dụng chuyển đổi số là chiến lược ưu tiên. Để tăng hiệu quả hoạt động và cung cấp thông tin chi tiết về kinh doanh và khoa học trong các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), sản xuất và thương mại, các doanh nghiệp dược phẩm ngày càng chú trọng ứng dụng công nghệ; trong đó, có trí tuệ nhân tạo (AI).
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp du lịch đã triển khai các ứng dụng kỹ thuật số để thực hiện marketing, quảng bá sản phẩm du lịch của mình; công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường (AR/VR) đã xuất hiện và cho phép hiển thị các đối tượng ảo trong thế giới thực, hứa hẹn trở thành xu hướng chủ đạo vào năm 2021. Trong khi đó, mặc dù vẫn còn mang tính phân tán nhưng việc ứng dụng công nghệ trong quy trình kinh doanh của doanh nghiệp logistics trong nước đang có nhiều tín hiệu đáng mừng với tỷ lệ doanh nghiệp hiện đang triển khai tiến bộ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đạt trên 2/3, số còn lại dù chưa triển khai nhưng đang nỗ lực tìm kiếm công nghệ phù hợp…
Theo khảo sát các doanh nghiệp VNR500 gần đây của Vietnam Report, có 64,8% doanh nghiệp đánh giá COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhanh hơn. Trong đó, một số ứng dụng được doanh nghiệp lựa chọn đang và sẽ sử dụng nhiều nhất là: dịch vụ dựa trên đám mây/Cloud (19,8%); dữ liệu lớn/Big Data (19,3%); Internet vạn vật/IoT (7,3%)…
Thế giới đang thay đổi và nền kinh tế Việt Nam cũng thay đổi. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng một thương hiệu lớn, gắn kết với sức mạnh nội tại doanh nghiệp sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từng bước vượt qua đại dịch và khôi phục vững chắc hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp cần có nguồn doanh thu ổn định và bền vững dựa trên năng lực nội tại vững mạnh, sự linh hoạt thích ứng với yêu cầu áp dụng công nghệ nhanh nhạy, tăng cường hoạt động thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và làm việc từ xa…; trong đó, việc tiếp cận và áp dụng mô hình chuyển đổi số vào hoạt động doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đây vừa là tiền đề vừa là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thể hiện sức bật vượt trội và vươn lên trong những giai đoạn thử thách./.