Trong cuộc họp với Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị đầu mối cấp nước của thành phố tại Tổng công ty Vinaconex diễn ra vào chiều 21/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các đơn vị liên quan cần thực hiện mọi biện pháp phải đảm bảo nước sinh hoạt cho dân Thủ đô, nhất là trong những ngày nắng nóng.
Những ngày gần đây, một số “điểm đen” trên địa bàn thành phố bị mất nước kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan phân định trách nhiệm và bàn giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới. Mục tiêu đặt ra là bằng mọi biện pháp, từ phân phối lưu lượng cho đến điều tiết, giải quyết tình huống đặc biệt khi có sự cố... nhưng phải đảm bảo 100% người dân Thủ đô có nước sinh hoạt.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, nguyên nhân dẫn đến mất nước trong những ngày nắng nóng vừa qua tại một số điểm thuộc các quận nội thành một phần do nhu cầu sử dụng tăng đột biến, cộng với tình trạng mất điện, số lượng giếng khai thác nước ngầm bị suy thoái do khai thác lâu ngày tiếp tục gia tăng... Những yếu tố này đã ảnh hưởng tới việc cấp nước khu vực nội thành.
Ông Dục nhận định tình hình cấp nước trong Hè 2014 sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tiếp tục xảy ra sự cố đường ống cấp nước sông Đà do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư. Vì thế, theo Sở Xây dựng, ngoài hoàn thành các dự án cấp nước dở dang, tăng nguồn cho hệ thống thì việc đầu tư, xây dựng Nhà máy nước sông Đà giai đoạn hai là giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng thiếu nước hiện nay.
Trên thực tế, hiện nguồn nước sông Đà cũng chưa tiêu thụ hết, còn khoảng 80.000m3, tuy nhiên do đường ống không đảm bảo nên nếu được xây dựng hươn 29km ống truyền dẫn 1600 - DN 1800 từ vành đai 3 đến nút giao Hòa Lạc sẽ tăng cường thêm 80.000m3. Hiện kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 1.184 tỷ đồng nhưng phía Vinaconex cho biết đang khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn nên đề xuất thành phố Hà Nội hỗ trợ cho vay và hưởng lãi suất khoảng 5-6%/năm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đưa ra giả thuyết về việc Vinaconex sợ đường ống sông Đà tiếp tục vỡ nên đã giảm áp lực dẫn tới thiếu nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, giải thích áp lực theo thiết kế công ty sẽ bán dọc trên đường Láng Hòa Lạc là 100.000m3, nội thành 200.000m3. Tuy nhiên do tuyến ống của Công ty là tuyến ống tự chảy và lưu lượng cấp cho nội thành đã tăng lên 223.000m3 nên lưu lượng tăng thì áp lực cuối đường ống sẽ bị giảm. Do đó, các điểm cuối nguồn sẽ bị ảnh hưởng và đó chính là những “điểm đen” đã được xác định. Hiện so với năm 2013, lượng nước công ty cấp đã tăng 2,7%.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách trước mắt là không để hộ gia đình nào mất nước trong mùa Hè, nhất là các hộ dân được cấp nước chung của thành phố vì họ không chủ động được nguồn cấp. Muốn vậy, các đơn vị liên quan cần cập nhật tình hình kịp thời để 18 nhà máy nước hoạt động tốt; đảm bảo an toàn cả nguồn nước lẫn chất lượng nước. Riêng Vinaconex, chiếm tới 30% tổng lượng cung cho toàn thành phố thì nên lưu ý tập trung xử lý nhanh nếu xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước từ Sông Đà.
Trên thực tế, sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà đã không nằm trong tầm kiểm soát của Vinaconex, nếu muốn tuyệt đối an toàn thì chỉ có thể thay đường ống khác. Bởi vậy, các đơn vị liên quan phải nghiên cứu chất liệu ống phù hợp khi thực hiện giai đoạn hai của dự án này, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc như thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân nhất là trong những ngày nắng nóng. Việc đầu tư thêm một tuyến ống mới (giai đoạn hai) để đảm bảo an toàn cấp nước là cần thiết, nhưng phải chọn vật liệu rất kỹ.
Để đối phó với các sự cố mất nước, các đơn vị cũng cần tập trung và tăng cường xe téc nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị Sở Xây dựng tham mưu với thành phố, và Chính phủ xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa dự án cấp nước. Mặc dù giá nước có thể sẽ sẽ tăng thêm nhưng cần có lộ trình và đảm bảo người dân có mức giá phù hợp, phân loại theo đối tượng và mục đích sử dụng để tạo sự công bằng.
Đặc biệt, giải pháp chống thất thoát lãng phí nước cần tiếp tục được chú trọng bởi hiện trung bình mỗi năm Hà Nội bị thất thoát từ 25-28% tổng lượng cung, tương tương với gần 1 triệu m3 và xấp xỉ bằng lượng nước cấp từ Nhà máy nước sông Đà./.