Bằng chứng về mối bang giao giữa các nền văn minh cổ đại Trung Mỹ

Bộ xương khỉ nhện – loại linh trưởng đặc hữu tại các khu rừng nhiệt đới Trung Mỹ, vừa được một nhóm nhà khảo cổ học khai quật tại di chỉ Teotihuacán, cách thủ đô Mexico City 40 km về phía Đông.
Bằng chứng về mối bang giao giữa các nền văn minh cổ đại Trung Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AP)

Một bộ xương khỉ nhện có niên đại 1.700 năm mới được khai quật dưới lòng đất kinh đô cổ đại Teotihuacán của Mexico đã mở ra một góc nhìn mới về mối bang giao giữa các nền văn minh lớn tại khu vực Trung Mỹ trong thời kỳ tiền Colombo.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, bộ xương khỉ nhện – loại linh trưởng đặc hữu tại các khu rừng nhiệt đới Trung Mỹ, vừa được một nhóm nhà khảo cổ học khai quật tại di chỉ Teotihuacán, cách thủ đô Mexico City 40 km về phía Đông.

Tuy nhiên, khí hậu cao nguyên lạnh và khô của Teotihuacán không phải là địa bàn sinh sống của loài khỉ nhện (spider monkey), mà khu vực gần nhất mà loài linh trưởng này có thể sinh trưởng là những khu rừng nhiệt đới cách đó 1.000km, nơi từng tồn tại nền văn minh nổi tiếng của người Maya.

Phát hiện trên khiến các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng trong giai đoạn khoảng từ 250- 300 năm sau Công nguyên đã từng có mối bang giao hữu hảo giữa người Teotihuacán và người Maya, trước khi xảy ra các cuộc binh biến giữa hai đế chế vĩ đại tại dải đất Trung Mỹ trong thời kỳ tiền Colombo.

Theo báo cáo mới nhất đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Science Magazine, các nhà khoa học đã cùng đặt ra giả thuyết rằng chú khỉ nhện này đã được các chức sắc Maya tặng cho Teotihuacán – thành bang mà thời kỳ đó được cho là đô thị lớn nhất thế giới với số dân lên tới 125.000 người.

Lý giải về vấn đề trên, nhà khảo cổ học người Mỹ Barbara Arroyo cho rằng trong một thời gian dài giới học thuật quốc tế đã đặt nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa hai nền văn mình cổ đại này, và việc tìm thấy bộ xương khỉ nhện được xem là một bằng chứng khoa học quan trọng.

Bà Barbara cho biết kết quả nghiên cứu hàm răng cho thấy con vật đã từng ăn những loại thức ăn mọng nước chỉ có ở rừng nhiệt đới, cho đến khi khoảng 3 tuổi bị mang đi đến khu vực cao nguyên lạnh khô của Teotihuacán với đồ ăn chủ yếu ngũ cốc do con người canh tác như ngô và hạt.

Kết quả khai quật cũng cho thấy bộ xương khỉ nhện bị buộc tứ chi với nhiều đồ trang sức quý xung quanh, chỉ dấu cho thấy nhiều khả năng chú khỉ này đã kết thúc vòng đời của mình sau khi bị chôn sống trong một nghi lễ tế thần tại Teotihuacán vào khoảng năm 250-300 sau Công nguyên.

Tuy nhiên, một trong những bằng chứng quan trọng nhất củng cố giả thuyết về mối quan hệ giữa hai nền văn minh là việc tìm thấy một số đồ dùng cá nhân của người Maya trong khu vực gần bộ xương khỉ nhện. Điều này cho thấy rất có thể các chức sắc Maya đã từng có thời gian lưu trú tại Teotihuacán.

Kết luận về kết quả khảo cổ học mang tính đột phá này, bà Nawa Sugiyama, một trong những nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh đặt trong bối cảnh lịch sử, việc tìm thấy những di vật của người Maya xung quanh khu vực tìm thấy xác khỉ nhện cho thấy chú khỉ nhện này là một món quà bang giao giữa người Maya và Teotihuacán, hơn là một vật phẩm thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục