Ngày 21/9, nhóm các nhà khoa học của Trường Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu về xu hướng dịch chuyển đường giới hạn cây gỗ cho thấy tác động ngày càng mạnh của biến đổi khí hậu lên hệ sinh thái toàn cầu.
Đường giới hạn cây gỗ là ranh giới trong thiên nhiên phân chia vùng thấp có cây rừng mọc với vùng cao nơi cây không thể mọc. Những vùng cao thường có nhiệt độ thấp, thiếu không khí, áp suất hoặc không đủ độ ẩm để cây cối phát triển.
Nghiên cứu do nhà khoa học Zeng Zhenzhong dẫn đầu, đăng tải trên tạp chí Global Change Biology. Các nhà khoa học đã thu thập hình ảnh viễn thám có độ phân giải cao của khoảng 916.000km đường giới hạn cây gỗ khép kín dọc theo 243 ngọn núi trên thế giới, qua đó lập cơ sở dữ liệu đường giới hạn cây gỗ toàn cầu.
Những đường giới hạn này bao quanh núi và ít chịu ảnh hưởng của hoạt động con người hay việc sử dụng đất.
Sau khi phân tích cơ sở dữ liệu, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng nhiệt độ là yếu tố chính làm thay đổi độ cao đường giới hạn cây gỗ ở các vùng phương Bắc và nhiệt đới, trong khi lượng mưa là yếu tố chính quyết định ở vùng ôn đới.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, khoảng 70% đường giới hạn cây gỗ đã dịch chuyển lên trên với tốc độ trung bình 1,2 m/năm. Đường giới hạn cây gỗ hiện đang dịch chuyển nhanh nhất với tốc độ trung bình 3,1 m/năm ở các vùng nhiệt đới.
[Thúc đẩy phát triển bền vững theo con đường màu Xanh]
Đáng chú ý là một số đường giới hạn tại Malawi, Papua New Guinea và Indonesia dịch chuyển với tốc độ lên tới 10 m/năm.
Ông He Xinyue, một trong các tác giả nghiên cứu, nhận định xu hướng này đồng nghĩa có thêm nhiều cây hấp thụ được nhiều khí CO2 hơn, đồng thời mở rộng môi trường sống của các loài động vật trong rừng.
Nhưng bên cạnh đó là thách thức đối với hệ sinh thái ở vùng cao hơn bởi thực vật và động vật ở khu vực này rất nhạy cảm với những thay đổi môi trường.
Khi đường giới hạn dịch chuyển lên cao, cây bắt đầu tranh giành không gian và nguồn dinh dưỡng, điều này có thể đe dọa nghiêm trọng một số loài đặc hữu ở vùng cao./.