Bàn về ý tưởng thành lập một liên minh kiểu 'NATO châu Á'

Mỹ và phương Tây tính đến việc hình thành một liên minh kiểu "NATO châu Á" quy tụ các cường quốc trong vùng để đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Bàn về ý tưởng thành lập một liên minh kiểu 'NATO châu Á' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Euro Asia Security Forum)

Theo Washingtontimes.com, Ngoại trưởng Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ trong Bộ Tứ (Đối thoại An ninh Bốn bên) họp tại Tokyo ngày 6/10 để tìm chiến lược đối phó với Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc tung hoành ngang dọc, hăm dọa các nước trong khu vực. Tuy nhiên, dường như Mỹ muốn đi xa hơn khi nêu ý tưởng thành lập một liên minh, kiểu “NATO châu Á” mà đối tượng chính là Trung Quốc.

Ý tưởng trên được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen E. Biegun nhắc đến tại Đối thoại Chiến lược Mỹ-Ấn ngày 31/8. Theo ông Biegun, “đây là điểm nên được phát triển trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Tổng thống Trump, hoặc nếu tổng thống không tái cử, thì trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống kế tiếp."

Theo Guy Taylor, trên trang Washington Times ngày 27/9, chính sự phát triển quân sự vượt bậc của Trung Quốc, cũng như chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, đã khiến các quan chức Mỹ và phương Tây tính đến việc hình thành một kiểu “NATO châu Á” quy tụ các cường quốc trong vùng để kìm hãm tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg từng lo ngại sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc, với tham vọng “xuất khẩu” mô hình Trung Hoa, “làm thay đổi căn bản cán cân tương quan lực lượng trên thế giới” và càng thúc đẩy NATO phải “có tính toàn cầu hơn." Tuy nhiên, dường như Mỹ muốn đi trước một bước dựa trên liên minh Bộ Tứ gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Thành lập “NATO châu Á” từ Bộ Tứ

Phát biểu hồi tháng Tám vừa qua, ông Biegun cho rằng “NATO châu Á” sẽ không chỉ dừng ở việc kìm hãm đà bành trướng của Trung Quốc, mà còn có thể tập trung nhiều hơn vào việc phối hợp với quân đội và nền kinh tế của các quốc gia nhỏ trong vùng, dựa trên một hệ giá trị được hình thành trên cơ sở luật pháp.

Ông Biegun nói: "Thực tế là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thực sự thiếu các cấu trúc đa phương mạnh. Họ không có tổ chức nào vững mạnh như NATO hay Liên minh châu Âu (EU). Các thể chế mạnh nhất ở châu Á thường chỉ mang tính bó hẹp. Chắc chắn đến thời điểm nào đó sẽ có một đề xuất thành lập một cấu trúc như vậy."

Những phát biểu này đã nhanh chóng gây ra một cuộc tranh luận ở các quốc gia được đề xuất trở thành thành viên của "NATO châu Á." Một số người lập luận rằng Bộ Tứ đã đủ chín muồi để phát triển hơn nữa trong bối cảnh Trung Quốc gần đây luôn tìm cách gây rối. Trở ngại ở đây là Bộ Tứ mặc dù tăng cường tổ chức tập trận quân sự chung trong những năm gần đây, nhưng gặp nhiều khó khăn vì một số thành viên do dự rằng một "NATO châu Á" mang tính chính thức hơn sẽ khiến Trung Quốc tức giận và thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, khi sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc ngày càng lớn, những lo ngại đó sẽ dần bị xóa nhòa. Bối cảnh hiện tại cho thấy khả năng hình thành một kiểu liên minh mới là điều hoàn toàn có thể, như phân tích của Michael Kugelman, trợ lý giám đốc chương trình châu Á tại Wilson Center, với trang Washington Times: “Nước này hay nước khác, ở thời điểm này hay thời điểm khác, còn lo ngại về việc gây thù địch với Trung Quốc. Nhưng mọi chuyện hiện đã khác. Nhóm Bộ Tứ thực sự có cơ hội ở thời điểm này, bởi vì các nước Bộ Tứ, cũng như các nước khác trong khu vực, ngày càng nhất trí với nhau rằng các hoạt động của Trung Quốc không chỉ hung hăng mà ngày càng đe dọa sự ổn định toàn cầu."

Cả 4 thành viên Bộ Tứ đều có tranh chấp với Trung Quốc. Ngoài “cuộc chiến toàn diện” giữa Washington và Bắc Kinh, Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Ấn Độ và Trung Quốc xung đột ở biên giới trên cao nguyên Ladahk, Australia có công dân bị Trung Quốc bắt giam và đang bị Bắc Kinh trừng phạt kinh tế vì sát cánh với Mỹ bảo vệ tự do hàng hải.

[Mỹ có thể lập “NATO châu Á” đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông]

Ngoài ra, theo ông Kugelman, bên cạnh việc xây dựng các căn cứ quân sự và đảo nhân tạo ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Bắc Kinh trong những năm gần đây còn sử dụng cái gọi là ngoại giao "Chiến Lang" khiến các nước láng giềng tức giận.

Các quan chức Trung Quốc ở Australia, Ấn Độ và Nhật Bản kịch liệt lên án các quan chức và các thể chế ở ba quốc gia này từng chỉ trích Trung Quốc.

Ấn Độ sẵn sàng cho một đối thoại Bộ Tứ sẽ làm Trung Quốc phật lòng?

Theo phóng viên Taylor của Washington Times, New Delhi có truyền thống phản đối việc tham gia các liên minh chính thức, cho dù là với các nền dân chủ mạnh và cùng chung tư tưởng như Mỹ.

Ông Kugelman nói: "Mỹ và Ấn Độ có một mối quan hệ đối tác an ninh mạnh, nhưng Ấn Độ tiếp tục muốn đóng vai trò như một chủ thể chiến lược độc lập."

Daniel S.Markey, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao hiện làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Johns Hopkins, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng, mặc dù Ấn Độ có thể "hăng hái hợp tác chống lại Trung Quốc" nhưng Ấn Độ chỉ muốn làm như vậy "theo cách của riêng họ."

Ông Markey nói: "Các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiểu rõ rằng ngôn ngữ 'đồng minh' không được đón nhận nồng nhiệt ở New Delhi, nên việc biến Bộ Tứ thành một thể chế giống như NATO, ít nhất là trong tương lai gần, không có triển vọng thành công."

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng những hành động gần đây của Trung Quốc trên trường quốc tế có thể mang lại một cơ hội cho Washington.

Xung đột ở khu vực Himalaya, những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông "có thể làm thay đổi thái độ của Ấn Độ" theo cách "làm cho việc Mỹ thuyết phục Ấn Độ rằng Trung Quốc là một mối đe dọa trở nên dễ dàng hơn."

Theo Washington Times, một nguồn tin giấu tên nắm rõ lập trường của Ấn Độ tiết lộ với tờ báo này rằng hành động hung hăng của Trung Quốc ở khu vực Himalaya - cũng như việc Mỹ đề xuất giúp Ấn Độ phản ứng lại - đã giúp New Delhi có thêm động lực mới để hợp tác trong Bộ Tứ.

Tuy nhiên, nguồn tin này nhấn mạnh rằng Ấn Độ vẫn kiên định phản đối việc chính thức tham gia một liên minh an ninh tập chung chủ yếu vào việc đối phó với Trung Quốc về quân sự.

Nguồn tin này nói: "Nói về một 'NATO châu Á' rõ ràng là một hành động quá hấp tấp bởi vì nó đề cập tới câu chuyện về một liên minh quân sự, điều mà New Delhi phản đối."

Dù vậy, ngay trước chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar để tham dự cuộc đối thoại an ninh quan trọng của Bộ Tứ, Hindustan Times cho biết một quan chức cao cấp của Ấn Độ hiểu rõ về lập trường của chính phủ về vấn đề này nói rằng Ấn Độ sẵn sàng cho việc thể chế hoá sự tương tác giữa 4 nền dân chủ lớn, cam kết đảm bảo các nguyên tắc của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tầm nhìn chung về an ninh hàng hải, an ninh mạng, các công nghệ quan trọng, cơ sở hạ tầng, chống khủng bố và hợp tác khu vực.

Hindustan Times trích lời quan chức này: “Ấn Độ không phản đối việc chính thức hóa đối thoại ‘Bộ Tứ’ với Mỹ, Nhật Bản và Australia vì sự tương tác đã diễn ra từ năm 2017 với cuộc họp của các ngoại trưởng diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2019. Nếu 3 thành viên còn lại muốn thể chế hoá cuộc đối thoại, Ấn Độ sẵn sàng tham gia."

Tầm nhìn của Bộ Tứ đã được ông Stilwell tổng kết như sau: “Bộ Tứ tìm cách thiết lập, thúc đẩy và bảo đảm các nguyên tắc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là khi các chiến thuật, hành động gây hấn của Trung Quốc gia tăng trong khu vực”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục