Bàn về việc hoàn thiện thể chế theo dõi thi hành luật

Bộ Tư pháp và Viện Konrad Adenauer (Đức) đã tổ chức Hội thảo hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật tại Việt Nam.
Sáng 16/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Viện Konrad Adenauer Cộng hòa Liên bang Đức (Viện KAS) đã tổ chức Hội thảo hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật tại Việt Nam.

Để công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn là một nhiệm vụ mới, có tính chất phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật là một yêu cầu bức thiết. Nghị định còn yêu cầu nhiều văn bản quy định chi tiết, cụ thể và cần được thể chế hóa mà một trong những nội dung quan trọng là xem xét ban hành hệ tiêu chí theo dõi việc thi hành pháp luật. Đây là một công cụ quan trọng mang tính chất lượng hóa đầu vào phục vụ cho các đánh giá về tình hình thi hành pháp luật.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về hệ tiêu chí thống kê quốc gia về theo dõi việc thi hành pháp luật, hoàn thiện thể chế liên quan và góp ý vào Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định. Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, từ tính chất, ý nghĩa xã hội cũng như yêu cầu thực tiễn của công tác theo dõi thi hành pháp luật, trên cơ sở rà soát Nghị định và các văn bản khác liên quan cho thấy trước mắt cần hướng dẫn cụ thể về phạm vi trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật của các bộ, ngành, cơ quan; các quy định về sự phối hợp và huy động tham gia của các tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật; các nội dung và các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.

Về lâu dài, để công tác theo dõi thi hành pháp luật thực sự phát huy được vai trò trong đời sống xã hội và có thể thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi ở tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cần nghiên cứu, xây dựng một văn bản pháp lý có giá trị pháp lý cao hơn sau khi tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Nói về việc huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tiến sỹ Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng trong giai đoạn hiện nay, sự tham gia của xã hội trong hoạt động quản lý nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực. Dư luận xã hội và các thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật có những đóng góp quan trọng, tích cực trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước cũng như bảo đảm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, thống nhất.

Thực tiễn cho thấy công tác theo dõi thi hành pháp luật chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, trong khi đây là công việc phức tạp, có phạm vi rộng với khối lượng lớn. Điều này đã làm cho mức độ đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra còn nhiều hạn chế và kết quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa thật sự bảo đảm tính khách quan, chính xác. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác này, cần huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Các ý kiến đề xuất xây dựng chỉ tiêu thống kê thi hành pháp luật theo phương pháp tiếp cận khung logic, các chỉ tiêu đánh giá được tập trung vào hiệu quả và tác động của việc thi hành pháp luật; chỉ ra những bất cập của bộ tiêu chí tự đánh giá tình hình thi hành pháp luật của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Các đại biểu cũng đề xuất một số chỉ tiêu mới về theo dõi thi hành pháp luật nhằm đánh giá cụ thể đối với mỗi nội dung./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục