Bàn về khả năng Mỹ mở rộng thành viên trong nhóm G7

Tổng thống Mỹ Donald Trump - một chuyên gia trong việc rời bỏ các hội nhóm và thỏa thuận - mới đây nói rằng G7 là một nhóm “đã rất lỗi thời.”
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Biarritz, Tây Nam Pháp ngày 26/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Globaltimes.cn và AFP, Mỹ - nước chủ nhà năm nay của hội nghị thượng đỉnh G7 - được cho là đang có ý định thành lập nhóm G11 với việc mời Hàn Quốc, Australia, Nga và Ấn Độ tham dự hội nghị - vốn đã bị trì hoãn cho đến ít nhất là tháng 9.

Tuy nhiên, Mỹ có thể duy trì năng lực lãnh đạo toàn cầu ra sao vẫn là điều bị nghi ngờ, bởi dù có hay không, họ sẽ có thể lợi dụng hội nghị thượng đỉnh này như một nền tảng để thúc đẩy chương trình nghị sự chống Trung Quốc.

Việc Mỹ có ý định mời các quốc gia mới tham dự không hề gây bất ngờ bởi các hội nghị thượng đỉnh G7 vẫn áp dụng cơ chế G7+ và nước chủ nhà được phép gửi lời mời tới các quốc gia khác.

[Hàn Quốc mong muốn là thành viên chính thức của G7 mở rộng]

Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, nước Mỹ đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong quyền lực mềm và sức lôi cuốn toàn cầu.

Ngay cả khi cuộc họp lần này diễn tiến với định dạng G11, cũng khó có khả năng các bên sẽ đạt được kết quả thực chất hoặc đồng thuận nào đó.

Lấy ví dụ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một điển hình trước đây trong kế hoạch quốc tế của Mỹ.

Chiến lược này được cho là đối thủ của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, và mặc dù nó khởi đầu bằng những hô hào cam kết rầm rộ, nhưng kể từ đó nó đã trở thành khái niệm mờ nhạt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - một chuyên gia trong việc rời bỏ các hội nhóm và thỏa thuận - mới đây nói rằng G7 là một nhóm “đã rất lỗi thời.”

Thay vì đơn giản rời bỏ nó, ông bày tỏ hy vọng về G11 trong một nỗ lực để đưa Mỹ trở lại lộ trình ngoại giao mà ông đã từ bỏ cách đây vài năm.

Sau hơn 3 năm, chính quyền Trump đã nhận ra rằng họ đã tự đánh giá mình quá cao trong nỗ lực đối đầu với Trung Quốc mà không có sự thương thảo ban đầu với các đồng minh của họ, và giờ đây đang tìm cách thiết lập mưu đồ địa chính trị riêng trong G7.

Kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 ban đầu dự định diễn ra vào tháng 6/2020 nhưng không nhận được sự ủng hộ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết không thể xác nhận tham dự hội nghị tại Washington. Sau đó, phản ứng trước đề xuất của Trump về G11, Liên minh châu Âu (EU) cũng nhiều lần từ chối đưa Nga trở lại nhóm, và nói rằng Mỹ không có quyền thay đổi cơ chế của G7.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell ngày 2/6 cho biết mặc dù Trump - với tư cách chủ tịch G7 năm nay - có thể mời Nga tham dự với tư cách khách mời, nhưng ông không có quyền “thay đổi định dạng cố định của nhóm.” Ngày 1/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông phản đối việc đưa Moskva trở lại.

Đáp lại, ông Trump ngày 3/6 đã nói rằng việc đưa Nga trở lại G7 là “lẽ thường tình,” bất luận việc Moskva bị loại khỏi nhóm G8 sau vụ thôn tính Ukraine.

Phát biểu với đài Fox News, ông Trump cho biết các nước G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, cần Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại G8 cho dù hành vi của ông ra sao.

Ông Trump nói: “Khi chúng ta họp nhóm G7, ông Putin không hề có mặt trong khi một nửa cuộc họp là về vấn đề của Nga, và nếu ông ta có mặt tại đây, việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn.”

Măc dù Mỹ thiếu năng lực lãnh đạo để đoàn kết 11 quốc gia nhằm thực hiện các chiến dịch thực chất, nhưng Trung Quốc cần đề phòng khả năng Mỹ sẽ sử dụng hội nghị để thúc đẩy chương trình nghị sự chống Trung Quốc.

Trung Quốc - nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới và là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất toàn cầu với cơ cấu nền công nghiệp vững mạnh - sẽ tiếp tục mở cửa thị trường và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng chung với các đối tác.

Hiện tại, Trung Quốc đang đàm phán về nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế trong khu vực, bao gồm Thỏa thuận thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định đầu tư song phương Trung Quốc-EU (BIT). Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục là một đối tác kinh tế quan trọng không thể bị bỏ sót bởi bất kỳ nền kinh tế nào, đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế thế giới đang đối mặt với sức ép chưa từng có từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).

Với động lực tăng trưởng kinh tế ấn tượng cùng chiến lược chia sẻ các cơ hội thông qua việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc, chiến dịch của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc sẽ thất bại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục