Bản quyền World Cup 2018: Quán quân chịu chi nhất trả mức giá nào?

Giá bản quyền World Cup 2018 đã tăng từ 2-4 lần so với kỳ World Cup 2014. Mức giá này còn tiếp tục đẩy lên cao hơn khi các kênh phát cạnh tranh giành quyền phát sóng.

Theo con số thống kê từ FIFA, giá bản quyền World Cup 2018 đã tăng từ 2-4 lần so với kỳ World Cup 2014. Mức giá này còn tiếp tục đẩy lên cao hơn khi các kênh phát cạnh tranh giành quyền phát sóng.

Quán quân thuộc về FOX khi họ đã chấp nhận chi tới 400 triệu USD cho bản quyền phát sóng 64 trận đấu của hai kỳ World Cup 2018 (tại Nga) và 2022 (tại Qatar). Năm 2014, con số FOX cho 32 trận đấu của giải chỉ là 50 triệu USD.

Đại gia kế tiếp là đài truyền hình trung ương CCTV của Trung Quốc với mức giá cho 64 trận đấu của 2 kỳ World Cup 2018 và 2022 là 1 tỷ NDT (tương đương 156 triệu USD).

[Việt Nam đã sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2018?]

Cũng tại thị trường Trung Quốc (Hongkong), LeEco đã trả hơn 400 triệu HKD (51 triệu USD) để có được bản quyền World Cup 2018. So với chi phí mà TVB mua năm 2014 tăng hơn 30%.

Tại nước chủ nhà Nga, mức giá 38-40 triệu USD đã được mua bởi một nhóm các kênh truyền hình hợp tác.

Từ 20-40 triệu USD là mức giá trung bình để phát 32 trận đấu World Cup 2018 mà Infront Sports & Media (ISM/trụ sở tại Singapore) - đơn vị được FIFA giao quyền phân phối bản quyền World Cup 2018 tại khu vực châu Á đưa ra.

FOX chi tới 400 triệu USD mua bản quyền World Cup.

Đây là một mức giá nằm ngoài khả năng của một đơn vị nên bắt tay nhau và kêu gọi "Mạnh Thường Quân" là xu hướng được hầu hết các đài thuộc khu vực này áp dụng.

Quán quân thuộc về Thái Lan, khi có tới 9 doanh nghiệp lớn chung chi 1,4 tỷ baht (tương đương 43,6 triệu USD) để phát các trận đấu World Cup 2018 trên 2 kênh Amarin TV và True. Đây cũng là con số cao gấp đôi so với kỳ World Cup 4 năm trước ở mức 20 triệu USD.

[Thông tin mới nhất về việc VTV mua bản quyền World Cup 2018]

Bản quyền World Cup 2018 tại Singapore được mua bởi ba nhà đài lớn Singtel, StarHub, Mediacorp với mức giá 25 triệu SGD (18,6 triệu USD).

Tại Malaysia, thông qua vận động nguồn tài trợ từ các công ty tư nhân trong nước đổi quảng cáo đã chi cho bản quyền World Cup 2018 30 triệu RM (20 triệu USD).

Câu chuyện giá cả cũng chính là khúc mắc lớn nhất của Việt Nam khiến cho đến thời điểm này, cách khai mạc World Cup có 7 ngày mà vẫn chưa ngã ngũ.

Cuối giờ sáng hôm nay, 7/6, cũng có thông tin Việt Nam đã sở hữu bản quyền World Cup nhưng về phía Đài Truyền hình Việt Nam VTV - đơn vị duy nhất của Việt Nam đang đàm phán về bản quyền 32 trận đấu World Cup 2018 đã phủ nhận thông tin này.

Theo tuyên bố của VTV vào trưa nay, việc đàm phán vẫn đang diễn ra với quyết tâm rất cao của VTV nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo người hâm mộ Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục