Tham nhũng nói chung trong đó có "tham nhũng vặt" từ lâu đã được xác định là vấn đề mang tính "quốc nạn."
Trong nỗ lực ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng vặt, ngày 25/5 vừa qua, tại Hậu Giang, Ban Nội chính Trung ương và Tỉnh ủy Hậu Giang đã phối hợp tổ chức Tọa đàm chuyên đề "Tham nhũng vặt - Thực trạng và giải pháp phòng chống."
Theo Ban Nội chính Trung ương, các vụ tham nhũng được chia làm 3 cấp độ: Thứ nhất là các vụ việc do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xử lý; thứ hai là các vụ việc do Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo, theo dõi xử lý và cuối cùng là các vụ việc do Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
Tham nhũng vặt đa số thuộc vào các vụ việc do Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
Chưa có khái niệm chính thống
Theo ông Phan Bá, Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam, Ban Nội chính Trung ương, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi.
Tham nhũng vặt là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước, đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, trong cung cấp dịch vụ công. Từ đó, nhằm buộc hoặc gợi ý doanh nghiệp, người dân phải lo lót, “bôi trơn” vì mục đích vụ lợi. Đặc trưng của tham nhũng vặt là giá trị vật chất, của hối lộ không lớn, thường chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Phan Bá cho rằng, tham nhũng ở Việt Nam hiện nay diễn biến khá phức tạp, mức độ tham nhũng rất khác nhau, có tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ - “thảm nhũng vặt” đã lộ diện.
Tham nhũng vặt xảy ra khá phổ biến, gần như trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội hiện nay. Nạn “lót tay,” “bôi trơn” để được việc khi giao dịch với cơ quan công quyền diễn ra phổ biến, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu bài bản, toàn diện về phạm trù tham nhũng vặt và cũng chưa có một khái niệm chính thống nào về tham nhũng vặt; mà chủ yếu chỉ mới đề cập tới trong một số ít văn bản hay phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tháng 5/2014, lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào văn kiện của Hội nghị cụm từ “Tham nhũng vặt.”
Tiếp đó, trong bài phát biểu tham luận của đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu tình trạng tham nhũng vặt, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân.
Gần đây nhất, tại Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tháng 1/2018, trong phần nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã nêu rõ cần chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt).
[Doanh nghiệp FDI ở Việt Nam thừa nhận tình hình tham nhũng vặt giảm]
Thực trạng tham nhũng vặt
Theo ông Trần Quốc Thanh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hậu Giang, tham nhũng vặt hiện là loại tham nhũng nhỏ và đơn giản; diễn ra phổ biến trong các hoạt động của cuộc sống thường ngày, trở thành thông lệ, thói quen khiến mọi người cảm thấy chưa đến mức bức xúc, không thấy xa lạ, dễ chấp nhận.
Nó liên quan đến những món quà biếu hoặc hối lộ bằng tiền, văn hóa phong bì, lót tay, bôi trơn, tư duy đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, nhằm mục đích được việc, “trôi” việc.
Cũng theo ông Thanh, tham nhũng vặt tập trung vào các vấn đề điển hình như trong lĩnh vực y tế, việc vào bệnh viện, muốn được khám nhanh, mổ nhanh, có phòng, có giường điều trị tốt, được chăm sóc tốt hơn phải phong bì cho bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ.
Hay trong lĩnh vực giáo dục, khi xin cho con đi học phải có quà cáp hoặc có quan hệ mới xong, phong bì cho cô giáo mầm non để bé được chăm sóc kỹ; việc lạm thu ở các trường học gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội; dạy thêm để nhận tiền phụ huynh khi nhà trường và các cơ quan chức năng đã cấm; “chạy” trường, “chạy” lớp.
Trong lĩnh vực giao thông, Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được “thông cảm” bằng vài trăm nghìn đồng hoặc thu mãi lộ đối với các xe tải, xe khách.
Hay cán bộ Hải quan nhận tiền doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan; công chức, viên chức cơ quan các ngành, các cấp gây khó dễ với người dân, doanh nghiệp đến giao dịch để nhận tiền bồi dưỡng, tiền trà nước.
Còn theo ông Phan Bá, Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam, Ban Nội chính Trung ương, nạn tham nhũng vặt biểu hiện trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh là gần như tất cả các khâu doanh nghiệp đều phải “bôi trơn,” “lót tay,” “đi cửa sau.”
Nếu doanh nghiệp không chịu “bôi trơn,” “lót tay,” hồ sơ không xong, bị trả đi trả lại nhiều lần hoặc hồ sơ sẽ bị ngâm kéo dài thời hạn giải quyết.
Trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư, xây dựng, muốn trúng thầu doanh nghiệp phải lo lót, chung chi phần trăm để được trúng thầu. Muốn có một giấy phép xây dựng, người dân và doanh nghiệp sẽ rất vất vả, gần như phải nhờ đến dịch vụ “cò” hoặc phải “lo lót,” hối lộ mới xong.
Khi đã lo được giấy phép, đến giai đoạn xây dựng, người dân và doanh nghiệp lại tiếp tục phải đối mặt với các tổ kiểm tra, đoàn kiểm tra đến vòi vĩnh, gây khó khăn, nếu không có phong bì khó mà êm chuyện.
Trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, công chức, muốn được tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt thường phải có quan hệ, có tiền tệ. Nhiều trường hợp được tuyển dụng, bổ nhiệm không phải do năng lực chuyên môi, tố chất đạo đức mà là do quen biết, do lo lót, chạy chức, chạy quyền; điều này ai cũng biết, ai cũng rõ nhưng ít ai dám nói, dám phê phán vì sợ đụng chạm, vì sợ ảnh hưởng chính quyền lợi của mình.
Rõ ràng, nạn tham nhũng vặt biểu hiện tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân khi sử dụng dịch vụ công; nạn “lót tay,” chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền là sự nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân và đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực hiện nay. Vậy tham nhũng vặt được một số cán bộ hư hỏng thực hiện như thế nào?