Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ TP.HCM tăng chưa bền vững

Hầu hết hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ TP.HCM tăng chưa bền vững ảnh 1Nhân viên siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu hàng tiêu dùng thiết yếu đến khách hàng. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Với bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 263.981 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục triển khai bình ổn thị trường hàng hóa, nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với nhóm mặt hàng thiết yếu.

Thống kê đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 3/3 chợ đầu mối; 223/232 chợ truyền thống đang hoạt động; 239 siêu thị; 47 trung tâm thương mại và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi... Hầu hết hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đặc biệt, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tổ chức luân phiên chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải đối mặt với không ít thách thức về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công...

Trong khi đó, thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều nên xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm nhóm hàng thiết yếu là chính và hạn chế nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết...

Chính vì vậy, sức mua trên thị trường bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 tháng qua có tăng nhưng chưa bền vững. Để tăng sức mua và cơ chế giá tốt nhất cho người tiêu dùng, ngày từ đầu quý 2/2023, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tung ra hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng và đổi mới mô hình kinh doanh đáp ứng xu hướng thị trường.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thu mua, MM Mega Market Việt Nam, bước qua tháng 4/2023, MM triển khai 2 chương trình ưu đãi nổi bật là "Giá sỉ" và "Khóa giá."

[TP Hồ Chí Minh: Người tiêu dùng ưu tiên tạo đầu ra cho nông sản Việt]

Cụ thể, chương trình ưu đãi "Giá sỉ" áp dụng mức giá như chợ đầu mối, dành cho hơn 40 mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống. Còn chương trình ưu đãi "Khóa giá," áp dụng mức giá tốt nhất trong xuyên suốt quý 2/2023, dành cho mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, bánh kẹp, nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình...

Tương tự, bên cạnh những chương trình giảm giá thực hiện mỗi ngày, dự kiến ngày 20/4 sắp tới, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) sẽ triển khai chương trình khuyến mãi mừng sinh nhật hệ thống kéo dài 3 tuần với hàng ngàn mặt hàng được khuyến mãi sâu.

Saigon Co.op cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và trong chăm sóc khách hàng, qua đó mở rộng kết nối khách hàng trong toàn hệ thống Saigon Co.op.

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ TP.HCM tăng chưa bền vững ảnh 2Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh mua sắm hàng khuyến mại tại kênh phân phối hiện đại. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Tại Hội nghị Nhà cung cấp 2023 của Saigon Co.op vừa mới tổ chức, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ, mục tiêu đến năm 2025, Saigon Co.op đạt 1.000 điểm bán, tạo trải nghiệm mua sắm mới lạ, hiện đại cho khách hàng.

Đồng thời, ưu tiên hàng đầu của Saigon Co.op là kết nối bền chặt với mạng lưới nhà cung cấp và cam kết hợp tác toàn diện ở lĩnh vực cung ứng hàng hóa, giá cả và bình ổn thị trường, phát triển xanh và thương mại điện tử...

Hiện tại, Saigon Co.op là đơn vị dẫn đầu thị trường bán lẻ, chiếm 35,8% thị phần bán lẻ hiện đại khối nội, doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng, đón tiếp 1.000.000 lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm mỗi ngày.

Saigon Co.op đã hình thành nên hệ sinh thái đa dạng và phong phú trên nền tảng cốt lõi là phân phối bán lẻ với hơn 800 điểm bán trên 43 tỉnh, thành, gồm kết nối mô hình hợp tác xã, thành lập công ty logistics, xuất nhập khẩu, đầu tư, sản xuất, thương mại điện tử, khai thác vùng nguyên liệu.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tham gia chuỗi cửa hàng bán lẻ, Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) vừa ra mắt thương hiệu Go Gelato với cửa hàng đầu tiên tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

So với chuỗi cửa hàng ABC Bakery đã khẳng định được thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đối với nhiều đối tượng khách hàng, thì Go Gelato hướng đến phân khúc người tiêu dùng trẻ và người tiêu dùng tương lai.

Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery cho biết, sau cửa hàng đầu tiên, thương hiệu Go Gelato dự kiến sẽ mở rộng hệ thống ra nhiều quận - huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời thực hiện chiến lược phục vụ người tiêu dùng trên cả nước. Tại cửa hàng Go Gelato phục vụ đa dạng món ăn, đồ uống như pizza, mì Ý, salad, bánh mì kiểu Việt Nam, càphê, trà sữa...

Là thương hiệu thuần Việt nên ABC Bakery không ngừng nỗ lực nội địa hóa sản phẩm và khai thác hiệu quả nguồn nguyên vật liệu trong nước, chỉ khi nào trong nước không sản xuất được mới nhập khẩu. Đặc biệt, món kem Ý của Go Gelato là sản phẩm kem phối hợp với trái cây nhiệt đới, mang lại những sản phẩm kem kiểu Ý đến với người Việt và góp phần tham gia sản xuất chế biến sâu nông sản Việt Nam.

Còn về phía hiệp hội, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, chạm đến phân khúc khách hàng trẻ thông qua đổi mới mô hình kinh doanh là một trong những giải pháp khai thác hiệu quả thị trường và cho thấy mức độ nhạy bén của doanh nghiệp Việt trên đường hội nhập kinh tế.

Cùng với sản phẩm mới, thương hiệu mới, hướng đến đối tượng khách hàng mới sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và ngày càng nhiều người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, cũng như đón nhận hơn.

Trong khi đó, đồng hành cùng cộng đồng nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sở sẽ tiếp tục phối hợp liên ngành đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển hệ thống phân phối, đại lý thu mua theo hướng tăng cường hơn nữa mối quan hệ liên kết địa phương, liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Trong số đó, ngành Công Thương thành phố chú trọng thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hệ thống phân phối của Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và một số tỉnh phía Bắc.

Mặt khác, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ tham mưu trình Ủy ban Nhân dân thành phố về kế hoạch phát triển ngành logistics, thương mại điện tử; chương trình khuyến mại tập trung, xúc tiến công thương năm 2023... Đáng chú ý trong năm nay, lần đầu tiên Sở Công Thương thành phố sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam Xuất khẩu năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục