Ngày 14/1, Ban lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch cải cách liên minh với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các thành viên trong đảng, những người có thể gây trở ngại cho cuộc đàm phán.
Các thành viên trong Ban lãnh đạo đảng SPD phải công bố thỏa thuận mang tính nguyên tắc mà họ đạt được cho các thành viên của đảng trước khi tiến hành đại hội vào ngày 21/1, nơi các đại biểu sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận thuận này.
Hiện ban lãnh đạo SPD đang cố gắng thuyết phục các thành viên trong đảng chấp thuận để họ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán chính thức về việc tái khởi động thành lập một chính phủ "đại liên minh" với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Merkel.
Dự kiến, văn kiện này cần phải nhận được sự chấp thuận của 600 đại biểu dự đại hội đảng bất thường của SPD vào ngày 21/1 tới và sau đó phải tiếp tục "vượt ải" hơn 400.000 đảng viên trong cuộc trưng cầu trên toàn nước Đức. Chỉ khi đó, lãnh đạo đảng SPD mới có thể tiếp tục hướng tới các cuộc đàm phán chính thức với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel về việc thành lập một chính phủ liên minh mới.
[Bà Angela Merkel nhượng bộ để tiếp tục giữ ghế Thủ tướng Đức]
Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Malu Freyer, Thủ hiến bang miền Tây Reinland-Pfalz đồng thời là Phó Chủ tịch SPD cho biết các cuộc đàm phán tới đây sẽ khác với các cuộc đàm phán thăm dò trước đó. Bà nhấn mạnh đảng SPD sẽ cố gắng để đạt được thêm nhiều thành công trong các cuộc đàm phán liên minh.
Trước đó, tại một hội nghị cấp bang của đảng SPD diễn ra ở bang miền Đông Sachsen-Anhalt ngày 13/1, các đại biểu tại bang đã bỏ phiếu với tỷ lệ 52-51 phản đối các cuộc đàm phán tái khởi động một "đại liên minh" bất chấp sự ủng hộ thỏa thuận của cựu lãnh đạo đảng SPD Sigmar Gabriel. Một vài ý kiến thận trọng cho rằng kế hoạch tổng thể của liên minh thiếu sự nhượng bộ thỏa đáng dành cho đảng trung tả này.
Ngày 12/1, sau 25 giờ thảo luận kéo dài, lãnh đạo liên đảng CDU/CSU và đảng SPD đã đạt được tiến triển "mang tính đột phá" với thỏa thuận dài 28 trang về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ mới trong vài tuần tới.
Thỏa thuận này bao gồm một cam kết "hợp tác chặt chẽ với Pháp để cải tổ và củng cố Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách bền vững, nhằm giúp toàn liên minh ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu."
Việc đạt được thỏa thuận đã phần nào giúp giảm áp lực đối với Thủ tướng Merkel và xóa tan những nghi ngại về tầm ảnh hưởng của "quốc gia đầu tàu châu Âu" này trong các vấn đề quốc tế khi chưa có chính phủ mới./.