Ban lãnh đạo khóa mới của Cuba và những thách thức phía trước

Quyền lực tại La Habana sẽ được trao cho ông Miguel Diaz Canel, 60 tuổi, người sẽ thay thế Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, ông Raul Castro, 89 tuổi.
Ban lãnh đạo khóa mới của Cuba và những thách thức phía trước ảnh 1Tân Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Miguel Díaz-Canel. (Nguồn: ACN/TTXVN phát)

Đại hội Đảng lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba đã bế mạc chiều 19/4 (theo giờ địa phương).

Quyền lực tại La Habana sẽ được trao cho ông Miguel Diaz Canel, 60 tuổi, người sẽ thay thế Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, ông Raul Castro, 89 tuổi.

Trên nguyên tắc, trong cùng ngày, 114 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đã bỏ phiếu bầu chọn các ủy viên Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị sau đó chỉ định Bí thư thứ nhất và Bí thư thứ hai của Đảng. Đây là hai chức vụ cho tới nay do các ông Raul Castro (89 tuổi) và Jose Ramon Machado Ventura (90 tuổi) đảm nhiệm. Cả hai nhân vật này cùng thông báo sẽ rút lui khỏi hệ thống chính trị La Habana.

Chức vụ Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba sẽ thuộc về Chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel.

Như vậy ông Diaz-Canel sẽ là người đầu tiên trong xã hội dân sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba, sau các ông Fidel Castro và Raul Castro.

Tân Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba

Nhà lãnh đạo mới của Cuba không giống như những nhà lãnh đạo trước đây từng nắm quyền tại Cuba trong suốt 6 thập kỷ qua.

Ông Diaz-Canel không phải là du kích quân và chỉ đi lính vài năm, giống như tất cả người dân Cuba khác cùng thế hệ của ông. 

[Tân Bí thư thứ nhất PCC nhấn mạnh định hướng phát triển bằng nội lực]

Ông Diaz-Canel, người sẽ bước sang tuổi 61 vào ngày 20/4, khá trẻ so với những người trong thế hệ từng cùng sát cánh với ông Fidel Castro trong cuộc chiến chống lại chế độc độc tài của Fulgencio Batista.

Được sinh ra ở Santa Clara một năm sau cuộc cách mạng, ông Diaz-Canel lấy được bằng kỹ sư và bắt đầu tham gia vào các hoạt động chính trị chính thức, thăng tiến lên một vị trí cao cấp trong Đoàn Thanh niên Cộng sản và sau đó trải qua một loạt các vị trí ở các tỉnh, nơi ông nổi tiếng là một nhà quản trị thực dụng với cách cư xử hòa nhã, lịch thiệp trong giao tiếp với công chúng.

Năm 2009, một năm sau khi ông Raul Castro chính thức thay thế ông Fidel Castro làm Chủ tịch Cuba, ông Diaz-Canel trở thành Bộ trưởng Giáo dục Đại học.

Năm 2012, ông trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và ngay sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước.

Một loạt các quan chức trẻ đầy triển vọng khác trong nhiều năm được coi là người sẽ kế nhiệm hai anh em nhà Castro đã bị gạt bỏ vì họ tỏ ra nắm quyền quá nhanh, sa vào các giao dịch đáng ngờ hoặc trong những khoảnh khắc thiếu cẩn trọng đã đưa ra những phát biểu không suy xét về ban lãnh đạo.

Tuy nhiên ông Diaz-Canel dường như không có vẻ nôn nóng, ông không mắc sai lầm.

Ông kiên định bảo vệ hệ thống chống lại những người bất đồng chính kiến và sự thù địch của Mỹ, đồng thời tỏ ra cởi mở thúc đẩy các cải cách vốn chỉ ở mức hạn chế mà người dân đang yêu cầu nhưng với một tốc độ hợp lý.

Tiếp quản vị trí Chủ tịch nước từ ông Raul Castro vào năm 2018, ông Diaz-Canel đã đẩy nhanh một số cải cách mà chính phủ đã bắt đầu để mở cửa nền kinh tế từng hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, cho phép nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn và giúp cuộc sống của một số doanh nghiệp quy mô nhỏ trở nên dễ dàng hơn một chút.

Trong những tháng gần đây, ông đã giám sát việc chấm dứt hệ thống tiền tệ kép của Cuba và mở cửa hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ. Đại hội Đảng lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba được kỳ vọng sẽ tiến xa hơn.

Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin AFP, sự chuyển giao quyền lực lần này chắc chắn sẽ không dẫn tới những thay đổi chính sách lớn trong hệ thống độc đảng mà ông Diaz-Canel đã cam kết sẽ bảo vệ.

Ông Diaz-Canel phát biểu hôm 18/4: "Điều mang tính cách mạng nhất trong cuộc Cách mạng là (chúng ta) đã luôn bảo vệ Đảng, cũng giống như cách Đảng sẽ luôn là người bảo vệ quan trọng nhất cho Cách mạng."

Ông Diaz-Canel cũng nói thêm rằng ông Raul Castro sẽ vẫn được tham vấn về "những quyết định chiến lược."

Tân Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba cho biết cho dù đã nghỉ hưu, ông Castro sẽ vẫn đưa ra "chỉ đạo và cảnh báo khi xảy ra bất kỳ sai lầm hay thiết sót nào."

Diaz-Canel lên nắm quyền trong bối cảnh Cuba đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua, lạm phát cao chót vót, thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, người dân phải xếp hàng dài để mua nhu yếu phẩm cần thiết và tình trạng bất bình ngày càng gia tăng vì các quyền tự do bị hạn chế.

Ban lãnh đạo khóa mới của Cuba và những thách thức phía trước ảnh 2Bộ Chính trị khóa VII của Đảng Cộng sản Cuba trên Đoàn Chủ tịch Đại hội tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba. (Nguồn: ACN/TTXVN phát)

Cuba, một trong 5 quốc gia cộng sản trên thế giới, hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hàng hóa liên tục và cần phải nhập khẩu 80% hàng hóa tiêu dùng.

Ông Diaz-Canel mặc dù là người hiện đại hơn nhiều so với hai anh em nhà Castro song ông rất trung thành với Đảng Cộng sản Cuba.

Các nhà phân tích cho rằng không chắc sẽ có bất kỳ sự thay đổi nào về ý thức hệ.

Khó khăn phía trước

Theo đánh giá của The New York Times, ở Cuba hiện nay đang tồn tại một sự rạn nứt sâu sắc giữa các thế hệ.

Nhiều người Cuba lớn tuổi nhớ lại sự nghèo đói và tình trạng bất bình đẳng mà họ từng phải đối mặt trước khi Chủ tịch Castro lên nắm quyền, và nhờ đó, họ vẫn trung thành với cuộc cách mạng bất chấp gian khổ.

Tuy nhiên, các thế hệ trẻ hơn, những người đã lớn lên với những thành tựu của chủ nghĩa xã hội, bao gồm được tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe, tỏ ra bất bình vì những hạn chế ở Cuba. Họ đang đòi hỏi giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ và tự do kinh tế nhiều hơn.

The New York Times dẫn lời William LeoGrande, một chuyên gia về các vấn đề Cuba và là giáo sư tại Đại học Mỹ: “Có một sự phân chia thế hệ rất rõ rệt. Và đó là một trong những thách thức lớn của chính phủ Cuba trong tương lai, bởi vì nền tảng cho sự ủng hộ của họ trong suốt lịch sử đang dần suy kiệt." 

Ở mức độ nào đó, ông Raul Castro cũng đồng tình với quan điểm này. Mặc dù ông Fidel Castro đã duy trì lời kêu gọi tập hợp “chủ nghĩa xã hội hay là chết” cho đến khi ông qua đời vào năm 2016, nhưng ông Raul Castro ngày càng nhận ra rằng cải cách là điều cần thiết để dập tắt sự bất mãn ngày càng tăng và bắt đầu mở cửa nền kinh tế của đất nước.

Sau khi ông Fidel Castro chính thức từ chức Chủ tịch Cuba vào năm 2008, ông Raul Castro đã ưu tiên tuyển mộ những người Cuba trẻ tuổi vào Đảng Cộng sản và đưa các thành viên trẻ hơn vào các vị trí hàng đầu trong chính phủ.

Ngày 19/4, Đảng Cộng sản Cuba đã tổ chức bầu Bộ Chính trị khóa mới, chọn ra các thành viên trẻ hơn để thay thế những người cuối cùng mà người Cuba gọi là “lịch sử”, các cựu chiến binh của cuộc cách mạng vũ trang.

Cải cách đã được tiến hành với tốc độ chậm chạp do bộ máy quan liêu lo ngại về việc mất đi các đặc quyền của mình và những người bảo vệ cũ của cuộc cách mạng nghi ngờ rằng bất kỳ thay đổi nào cũng có thể thúc đẩy Cuba tiến gần hơn đến chủ nghĩa tư bản. 

Chi tiết về tương lai của Cuba vẫn chưa được giải quyết tại Đại hội Đảng lần thứ VIII mới đây.

Thay vào đó, bài phát biểu khai mạc của ông Raul Castro vào ngày 16/4 đã bắt đầu bằng một bài học lịch sử.

Đề cập đến Mỹ, ông phát biểu: “Chừng nào chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại, Đảng, nhà nước và nhân dân sẽ quan tâm tối đa đến các lĩnh vực quốc phòng. Lịch sử đã dạy chúng ta một cách rất thuyết phục rằng những người quên nguyên tắc này sẽ không thể tồn tại."

"Bóng đen" bao trùm lên Đại hội Đảng lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba là sự thay đổi lãnh đạo gần đây ở Mỹ và những triển vọng hay thách thức mà chính quyền mới của Tổng thống Biden có thể tạo ra cho Cuba.

Khi còn là Phó Tổng thống trong chính quyền Obama, ông Biden đã giúp bình thường hóa quan hệ Cuba-Mỹ, cho phép kiều hối đổ về Cuba và dỡ bỏ các hạn chế đi lại.

Những chính sách đó đã bị đảo ngược sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, và những lợi ích kinh tế mà Cuba đạt được đã nhanh chóng bị xóa bỏ.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Biden hứa sẽ làm "tan băng" quan hệ với Cuba một lần nữa.

Tuy nhiên, chính quyền Biden đã bắt đầu nguội lạnh với ý tưởng này sau khi các đảng viên Dân chủ gặp nhiều khó hơn hơn so với dự đoán ở Florida khi những người Mỹ gốc Cuba ủng hộ ông Trump và chính sách đối ngoại "diều hâu" của ông.

Đầu tháng này, Juan Gonzalez, một giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết Cuba không phải là ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền Biden./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục