Những người cựu chiến binh từng xông pha trận mạc sẽ cùng dàn nghệ sỹ cất lên tiếng hát thể hiện lòng yêu nước thiêng liêng cùng lý tưởng sống cao đẹp.
Đó là điểm nhấn trong cầu truyền hình trực tiếp "Bản hùng ca bất diệt" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023).
Chương trình có sự tham gia của Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Minh Tâm, Nghệ sỹ Ưu tú Hoài Bắc, Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Phương Thảo, Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương, Nghệ sỹ Ưu tú Việt Hoàn, ca sỹ Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Trọng Tấn, Võ Hạ Trâm… cùng tập thể cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Chương trình do Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nghệ thuật, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam thực hiện sẽ diễn ra lúc 20h ngày 19/7 tại 2 điểm cầu: Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) và Nghĩa trang liệt sỹ A1 (Điện Biên), được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
[VietnamPlus về nguồn Côn Đảo: Lắng nghe bản hùng ca vọng từ quá khứ]
Đây là chương trình nghệ thuật tri ân công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn," góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.
Với hai điểm cầu Côn Đảo và Điện Biên, chương trình sẽ tái hiện quá trình chiến đấu kiên cường, anh dũng, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc của thế hệ cha anh và những thế hệ hôm nay đang chung sức dựng xây quê hương trong sự phát triển chung của đất nước với tinh thần tự hào quá khứ, hướng tới tương lai.
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình không tái hiện nỗi đau chiến tranh bằng tiếng đạn bom, cảnh thương vong nơi trận mạc mà bằng diện mạo khác, đó là vẻ đẹp và sự cao quý của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu, tình đồng chí, đồng bào chân chất mà đậm sâu.
Chương trình cũng không kể lại lịch sử theo mạch tuyến tính các sự kiện, con số từ quá khứ đến hiện tại, mà thông qua các hình ảnh, câu chuyện, gặp gỡ nhân chứng, các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đến những cảm xúc tự hào, xúc động, biết ơn những hy sinh của một thời khốc liệt.
Chương 1 “Việt Nam máu và hoa” viết nên những tháng ngày bi tráng mà hào hùng của cả dân tộc, với những phóng sự kể về câu chuyện tình yêu trong thời chiến, những người chiến sỹ kiên trung yêu nhau từ tiếng hát ngân vang qua những bức tường nhà tù Côn Đảo, hay câu chuyện về tình quân dân thắm thiết, những người mẹ đã trở thành huyền thoại như mẹ Thứ, mẹ Suốt... và cao cả hơn đó là hình ảnh mẹ Tổ quốc. Chương 1 dự kiến có các tiết mục: Hoạt cảnh “Tiếng gọi non sông”, hát múa “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, ca khúc “Bế Văn Đàn sống mãi”, hát múa “Những ngôi sao ban chiều”, liên khúc “Cúc ơi em ở nơi mô”-“Cỏ non Thành Cổ”, hát múa “Huyền thoại Mẹ.”
Chương 2 “Những cánh hoa bất tử” là hình ảnh ẩn dụ cho những chiến sỹ kiên cường đấu tranh cách mạng. Khán giả sẽ được gặp gỡ những cựu tù Côn Đảo nặng tình với hòn đảo này, sau ngày giải phóng đã chọn ở lại với những đồng chí, đồng đội đã nằm lại với cát biển. Tại Nghĩa trang liệt sỹ A1 sẽ có cuộc giao lưu với những người lính Điện Biên trở về chiến trường xưa để rồi viết tiếp bản hùng ca của đời mình và của đất nước. Họ như những cánh hoa bền bỉ, tràn đầy sức sống.
Chương 3 “Khúc ca hòa bình” là xúc cảm của ngày hôm nay, sự trân trọng giá trị của độc lập tự do, là thông điệp về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, dự kiến có các tiết mục: “Lá cờ”, “Hát về anh”, “Tổ quốc gọi tên mình”, liên khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”-“Tiến bước dưới quân kỳ.”./.