Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi cá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản.
Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản ảnh 1Cơ sở nuôi cá lồng bé nước ngọt phải đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi cá lồng, bè nước ngọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản.

Theo Thông tư số 16 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vị trí đặt lồng, bè của cơ sở nuôi cá phải nằm trong vùng quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản như: Không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiên giao thông thủy, mức nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy và không bị ảnh hưởng của các nguồn gây ô nhiễm.

Theo nội dung này, khu chế biến thức ăn cho cá phải ở vị trí riêng biệt. Thiết bị, dụng cụ chế biến thức ăn phải được bố trí, lắp đặt để dễ kiểm tra, làm vệ sinh và khử trùng. Lồng, bè nuôi cá cũng phải được vệ sinh, khử trùng trước và sau khi nuôi theo quy trình kỹ thuật với từng đối tượng thủy sản.

Về quy định cá giống, Thông tư nêu rõ, cá giống có nguồn gốc rõ ràng, phải được mua từ các cơ sở có kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, cá giống và quá trình sản xuất giống. Cá giống phải khỏe mạnh, được cơ quan có thẩm quyền kiểm dịch.

Đối với thức ăn để nuôi cá, cơ sở nuôi cá phải sử dụng thức ăn công nghiệp được phép lưu hành tại Việt Nam, không sử dụng thức ăn đã hết hạn. Trường hợp sử dụng thức ăn tự chế biến thì phải có đủ thành phần dinh dưỡng, không chứa kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Trong quá trình nuôi, cơ sở nuôi phải thường xuyên vệ sinh lưới để luôn được thông thoáng, sạch sẽ; hàng ngày theo dõi môi trường nước và hoạt động của cá. Nếu thấy môi trường nước xấu, cá kém ăn hoặc xuất hiện bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời; không di chuyển cá từ lồng/bè này sang điểm khác khi đang có bệnh xảy ra.

Việc thu hoạch cá phải tuân thủ quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất về thời gian ngừng sử dụng thuốc, hóa chất trước khi thu hoạch cá.

Trong trường hợp các chỉ tiêu vi sinh, hóa học trong sản phẩm nuôi vượt quá giới hạn cho phép, cơ sở nuôi phải chấp hành thông báo dừng thu hoạch của cơ quan kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 10/10/2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục