Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới được đề ra trong Chỉ thị số 37-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể theo từng nhóm nhiệm vụ chủ yếu đối với các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Trong đó, về thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý lao động địa phương tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các bên trong quan hệ lao động; tăng cường các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để các bên tham gia có hiệu quả vào các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về nội dung tiền lương, tiền thưởng và các điều kiện lao động của người lao động trong phạm vi doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp và cấp ngành.
[Doanh nghiệp “giữ chân” người lao động bằng các hoạt động thiết thực]
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để tổ chức công đoàn cơ sở tập trung vào đối thoại, thương lượng về các nội dung tiền lương, tiền thưởng và các điều kiện lao động khác; thúc đẩy, mở rộng các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành và nhóm doanh nghiệp để góp phần từng bước xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các tổ chức đại diện khác của người sử dụng lao động tăng cường các hoạt động hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành viên để tham gia có hiệu quả các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở phạm vi doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp và cấp ngành để thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Giải quyết tốt tranh chấp lao động và đình công
Nhiệm vụ cụ thể khác của Kế hoạch là giải quyết tốt tranh chấp lao động và đình công. Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động để các thiết chế này tham gia tích cực, có hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp lao động phát sinh; phát huy vai trò của thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động trong việc hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động và hỗ trợ cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp. Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quy định chế độ khuyến khích người có năng lực, phẩm chất, uy tín tham gia làm hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động.
Bộ Công an triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu tập trung đông công nhân; kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng, lôi kéo, kích động, ép buộc người lao động gây rối an ninh, trật tự; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động nắm tình hình và phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp bảo đảm việc thành lập, hoạt động của tổ chức người lao động đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn thiết chế hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn để giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động phát sinh và thực hiện tốt vai trò hỗ trợ phát triển quan hệ lao động; tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực và thực hiện các chế độ đãi ngộ phù hợp đối với hòa giải viên, trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
Đối với các tỉnh, thành phố có đông lao động, doanh nghiệp, khu công nghiệp thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều tranh chấp lao động phát sinh cần chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện thí điểm mô hình giải quyết tranh chấp lao động với việc bố trí một số hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động chuyên trách theo hướng hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động vừa thực hiện giải quyết tranh chấp lao động, vừa hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Bên cạnh đó, chỉ đạo nghiên cứu, kiện toàn cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từng bước đưa các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, hài hòa lợi ích các bên.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực tham gia vào việc giải quyết tranh chấp lao động, đình công phát sinh theo đúng quy định của pháp luật; tích cực chủ động tham gia với các cơ quan liên quan của địa phương trong việc nắm tình hình để có biện pháp giải quyết phù hợp nhằm giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn; bồi dưỡng, đào tạo để giới thiệu đội ngũ cán bộ công đoàn tham gia làm thành viên Hội đồng trọng tài lao động./.