Ngày 29/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo ban hành bộ chỉ số giới trong lĩnh vực truyền thông. Bộ chỉ số đã cụ thể hóa các tiêu chí bình đẳng giới trong việc sản xuất tin tức, thời sự, quảng cáo tại các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ báo chí truyền thông.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mục đích của việc xây dựng bộ chỉ số là đưa ra các tiêu chí cụ thể để các tổ chức truyền thông có thể đánh giá hiệu quả việc thực hiện bình đẳng giới và khuyến khích các tổ chức truyền thông làm cho các vấn đề bình đẳng giới trở bên công khai.
Bộ chỉ số tập trung vào hai nội dung chính là những hành động tăng cường bình đẳng giới trong các tổ chức truyền thông và phản ánh về giới trong nội dung truyền thông. Theo đó, các chỉ số về tỷ lệ phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức truyền thông, tỷ lệ nam nữ trong tin tức và thời sự, tỷ lệ tin bài về các chủ đề bình đẳng giới… đều được đề cập đến trong bộ chỉ số.
Ngoài các tiêu chí về nội dung bình đẳng giới, bộ chỉ số còn đưa ra một số thuật ngữ về giới như: Bình đẳng giới, nhạy cảm giới, định kiến giới, công bằng giới, trách nhiệm giới, lồng ghép giới… để những người làm truyền thông hiểu hơn về các khái niệm này khi sử dụng trong các tin tức, quảng cáo.
Các mẫu báo cáo cho các tổ chức truyền thông cũng được đưa ra trong bộ chỉ số. Theo đó, từ các chỉ số, các tổ chức truyền thông sẽ đánh giá được những kết quả thực hiện bình đẳng giới về điều kiện, môi trường làm việc và nội dung bình đẳng giới trong tin tức, thời sự, quảng cáo.
Kết quả từ bộ chỉ số cũng sẽ chỉ ra những hạn chế trong việc đảm bảo bình đẳng giới tại các tổ chức truyền thông để từ đó xây dựng kế hoạch hành động theo mẫu trong bộ chỉ số.
Bộ chỉ số giới về truyền thông được chính thức ban hành và sẽ được áp dụng cho các cơ quan truyền thông, các hiệp hội, câu lạc bộ, tổ chức nhà báo và các cơ sở đào tạo về lĩnh vực báo chí, truyền thông trên cả nước./.
Năm 2012, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã ban hành bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Đến nay, bộ chỉ số này đã được thí điểm thực hiện tại 25 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Năm 2014, bộ chỉ số về giới trong truyền thông đã được dịch sang tiếng Việt và được chính thức ban hành sử dụng cho các cơ quan, tổ chức truyền thông tại Việt Nam. Hiện nay, bộ chỉ số đang được thực hiện thí điểm tại Đài Tiếng nói Việt Nam./.