Sáng 29/4, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, ở thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Ban Giám hiệu Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ký biên bản bàn giao Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận tiền thân là Trường Trung cấp Sư phạm Ninh Thuận (được hợp nhất từ Trường Trung cấp Sư phạm cấp I Thuận Hải và Trường Sư phạm cấp II Thuận Hải).
Trường đã đào tạo trên 30.000 sinh viên; hiện có 70 cán bộ, viên chức, trong đó có 3 tiến sỹ, 34 thạc sỹ.
Năm 2010, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận được thành lập.
Trong 10 năm qua, Phân hiệu đã đào tạo cho tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh lân cận gần 250 thạc sỹ, 1.500 cử nhân, hàng chục lớp bồi dưỡng chuyên đề; đã có hàng chục báo cáo nghiên cứu khoa học có giá trị.
Từ năm 2017, Đề án để sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận đã được triển khai.
Việc sáp nhập không làm mất đi chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực sư phạm cho tỉnh Ninh Thuận mà còn góp phần thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy và biên chế, nâng cao hiệu quả các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở công lập.
[Các trường đại học, cao đẳng phía Nam “tăng tốc” tư vấn hướng nghiệp]
Ông Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, tổng diện tích dự kiến mà tỉnh sẽ bàn giao cho Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (2021-2025) gần 60ha, thuộc địa bàn thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải và giai đoạn 2 (sau năm 2025) sẽ giao tiếp cho trường 29 ha.
Theo dự án do Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh lập, dự kiến tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Quy mô đào tạo bình quân khoảng 2.000 sinh viên/năm.
Tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm bàn giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh về nhân sự, đất đai cùng tài sản hiện có của Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc sáp nhập không chỉ phát huy được cơ sở vật chất, đội ngũ của Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, mà còn tạo cho Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh mạnh về quy mô, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế phục vụ cho khu vực và cả nước.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận hoạt động có hiệu quả, là đơn vị chủ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, khu vực miền Trung và cả nước./.