Bàn giao tàu phá băng đầu tiên tự chế tạo của Trung Quốc

Trong hành trình đầu tiên vào cuối năm nay, tàu sẽ tới Nam Cực cùng tàu Tuyết Long để tham gia đội nghiên cứu số 36 tại khu vực này.
Tàu phá băng Tuyết Long 2. (Nguồn: autopro.hu)

Ngày 11/7, tàu phá băng đầu tiên tự chế tạo của Trung Quốc, mang tên Tuyết Long 2, đã được bàn giao cho Viện Nghiên cứu vùng cực Trung Quốc, có trụ sở tại Thượng Hải.

Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết trong hành trình đầu tiên vào cuối năm nay, tàu sẽ tới Nam Cực cùng tàu Tuyết Long để tham gia đội nghiên cứu số 36 tại khu vực này.

Tuyết Long là tàu phá băng duy nhất của Trung Quốc đang được Trung tâm nghiên cứu vùng cực sử dụng. Đây là tàu mua ở Ukraine năm 1993, do Liên Xô trước đây chế tạo.

Theo phân loại của Liên Xô, đây không phải là tàu phá băng mà là một tàu vận tải vùng băng. 

[Nga hạ thủy tàu phá băng hạt nhân lớn nhất thế giới]

Trong khi đó, Tuyết Long 2 được đánh giá là tàu phá băng hoàn chỉnh, có thể vượt qua lớp băng dày đến 1,5m với tốc độ 3 hải lý/giờ, và có thể tiến, lùi trong băng.

Tàu Tuyết Long 2 do Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) và Công ty Aker Arctic Technology của Phần Lan phối hợp thiết kế và tập đoàn tàu biển Giang Nam chế tạo.

Tàu dài 122,5m, rộng 22,3m, có lượng choán nước 13.996 tấn và có khả năng di chuyển 20.000 hải lý trong chuyến thám hiểm dài 60 ngày đến mọi khu vực trên toàn cầu.

Bộ Tài nguyên Trung Quốc khẳng định việc chuyển giao tàu trên đã tăng cường các năng lực nghiên cứu và thám hiểm các cực của Trung Quốc.

Giám đốc phụ trách nghiên cứu cực, thuộc Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc, cho biết tàu Tuyết Long 2 sẽ trở thành một trụ cột cho hoạt động nghiên cứu khoa học và thăm dò môi trường biển của Trung Quốc tại các vùng cực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục