Bài 1: Gìn giữ và phát huy bản sắc của hai vùng văn hóa cổ

Bản giao hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài

Chùm 3 bài viết với chủ đề “Hòa nhịp văn hóa Thăng Long và xứ Đoài” sẽ làm nổi bật sự thích ứng hòa hợp và những nỗ lực của Hà Nội trong bảo tồn, phát huy hai vùng văn hóa 15 năm qua.
Bản giao hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài ảnh 1Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: TTXVN phát)

Khu vực Hà Nội cũ với đặc trưng của văn hóa Thăng Long và khu vực Hà Nội mở rộng với đặc trưng văn hóa xứ Đoài, là hai vùng đất cổ giàu bản sắc văn hóa với hệ thống di tích dày đặc, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tập quán sinh hoạt văn hóa đa dạng.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có cả vùng văn hóa trấn Sơn Nam Thượng và một phần vùng văn hóa Kinh Bắc.

15 năm sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, hai vùng văn hóa chủ lưu Thăng Long và xứ Đoài có sự giao thoa, hòa nhịp cùng nhau, tạo nên bản sắc văn hóa Hà Nội mới ngày nay.

[Hà Nội triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030]

Giữ gìn và phát triển văn hóa Hà Nội là giữ gìn những tinh túy của văn hóa Thăng Long và sự đa dạng của văn hóa xứ Đoài, vừa có tính kế thừa, vừa có tính phát triển, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề “Hòa nhịp văn hóa Thăng Long và xứ Đoài,” nhằm làm nổi bật sự thích ứng hòa hợp và những nỗ lực của Hà Nội trong bảo tồn, phát huy hai vùng văn hóa 15 năm qua, cũng như việc khai thác nguồn lực hai dòng văn hóa trong phát triển Thủ đô.

Bài 1: Gìn giữ bản sắc hai vùng văn hóa cổ

Trong dòng chảy lịch sử của hơn 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, sự kiện Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (1/8/2008) như cột mốc vàng về cuộc kiến tạo vĩ đại trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Từ đỉnh non cao Ba Vì mây bay phủ trắng với những làng quê còn vương khói rơm rạ hợp nhất về Hà Nội, cùng phố phường nhộn nhịp giao thương đã "vẽ" lên "bức tranh" Thủ đô khởi sắc, tràn đầy sinh khí và động lực phát triển.

Đặc biệt, với việc mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã ôm trọn hai vùng văn hóa lớn: Văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài, càng tô đậm thêm bản sắc văn hóa, văn hiến hàng nghìn năm của Thăng Long-Hà Nội.

Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản

Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, một số ý kiến quan ngại sẽ có sự "lệch pha" giữa hai vùng văn hóa Thăng Long và xứ Đoài.

Thực tế sau 15 năm qua cho thấy hai vùng văn hóa đã kết nối, hòa quyện, trở lên phong phú hơn và cùng lan tỏa, để Thăng Long-Hà Nội vươn lên tầm cao mới.

Điển hình là Hà Nội đang gìn giữ một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử của Thăng Long và xứ Đoài.

Bản giao hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài ảnh 2Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại thế kỷ 17; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Theo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, thành phố hiện có 5.922 di tích được kiểm kê (trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố), 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách bảo vệ.

Các địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa là Thường tín, Ba Vì, Sóc Sơn... Qua đó cho thấy nền văn hóa xứ Đoài xưa đã góp phần lớn vào việc bồi đắp cho nền văn hóa văn hiến Thăng Long ngàn năm.

Trước kho tàng di sản đồ sộ, công tác quản lý, tu bổ và tôn tạo giá trị di sản được thành phố quan tâm.

Giai đoạn từ 2012 đến nay, khoảng 1.340 lượt di tích trên địa bàn thành phố được tu bổ lớn, chống xuống cấp.

Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trọng điểm như khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu Thành cổ Cổ Loa, Làng cổ Đường Lâm và nhiều di tích khác đang được triển khai.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cho rằng văn hóa xứ Đoài chiếm một vị trí đáng kể trong Thăng Long xưa cũng như Hà Nội nay.

Xứ Đoài gần Hà Nội và trở thành một phần của Hà Nội từ lâu đời. Khi hội nhập vào văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài đã góp cho kho tàng văn hóa dân gian Thăng Long thêm dày dặn và phong phú hơn rất nhiều, với lễ hội dân gian, hệ thống làng nghề, ẩm thực xứ Đoài, các loại hình nghệ thuật dân gian, đặc biệt là nghệ nhân dân gian, các báu vật nhân văn sống...

Bản giao hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài ảnh 3Du khách đi thuyền trên suối Yến vào vãn cảnh Chùa Hương, lễ Phật. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Quả thực, sau khi mở rộng địa giới hành chính, người dân Hà Nội không chỉ biết tới ca trù, rối nước, chèo, múa đánh bồng, múa cờ, lễ hội Gióng, lễ hội Cổ Loa, hội Đống Đa... mà còn biết thêm cả hát chèo tàu, hát dô, hát tuồng cổ, hát trống quân, hát ví, lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Trăm Gian... trong kho tàng di sản văn hóa Hà Nội.

Đến nay, thành phố có ba di sản được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện Nhân loại là: Lễ hội Gióng, nghi lễ và trò chơi kéo co, Ca trù.

Hòa chung niềm tự hào với người dân Thủ đô và cả nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa.

Có thể khẳng định trong 15 năm qua, kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội.

Những giá trị di sản văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài được hội tụ, kết tinh lan tỏa trở thành mạch ngầm chảy mãi, xứng danh là vùng đất văn hiến ngàn năm có bề dày trầm tích văn hóa lịch sử vào bậc nhất của đất nước Việt Nam.

Hòa cùng nhịp đập

Từ quyết sách lịch sử mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, hai vùng văn hóa Thăng Long và xứ Đoài tưởng chừng khác biệt với những đặc trưng riêng nhưng khi hòa nhịp đập lại tương thích, hài hòa cùng nhau.

Sự hào hoa của văn hóa Thăng Long tạo một sắc màu mới cho văn hóa xứ Đoài, sự sâu lắng của văn hóa xứ Đoài tạo sự phong phú cho văn hóa Thăng Long.

Bản giao hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài ảnh 4Các nghệ sỹ Ca trù biểu diễn. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hơn một thập kỷ qua, hai dòng chảy văn hóa cùng hòa quyện, tương hỗ cho nhau. Thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động để bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị cốt lõi hai vùng văn hóa này.

Bên cạnh công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại, bảo vệ di sản văn hóa và tu bổ, tôn tạo di tích, thành phố tổ chức nhiều liên hoan trình diễn để bảo tồn và giới thiệu, lan tỏa các giá trị di sản đến đông đảo công chúng. Đây cũng là dịp các loại hình di sản được quảng bá rộng rãi, các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố cùng hòa hợp, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

Liên hoan Ca trù Hà Nội đã diễn ra lần thứ ba, với sự tham gia của hàng chục nhóm, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội góp phần thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở. Đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng các tài năng ca trù nhiều lứa tuổi và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo quần chúng về ca trù.

Liên hoan thường có sự góp mặt của các câu lạc bộ ca trù: Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên), Lỗ Khê (huyện Đông Anh), Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức), Đồng Trữ (huyện Chương Mỹ)...

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, chia sẻ từ xưa, ca trù Chanh Thôn nổi tiếng khắp nơi, bởi nơi này giữ được nguyên vẹn các bài ca trù cổ, cả về lời, giai điệu và cách biểu diễn.

Ca trù Chanh Thôn khi biểu diễn thường có sự tham gia của ca nương, kép đàn và quan viên.

Quan viên có thể là người thưởng thức đơn thuần, có thể là tác giả bài hát. Những dịp liên hoan như này, mọi người trong câu lạc bộ đều phấn khởi vì các câu lạc bộ có cơ hội giới thiệu những tinh hoa của ca trù đến với mọi người.

Cùng với đó, các sở, ngành, hội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa khác như trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu, liên hoan múa cổ... để giới thiệu các loại hình di sản tới đông đảo công chúng và những người nắm giữ di sản cùng giao lưu với nhau.

Theo ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội, việc tổ chức các hoạt động văn hóa của Thủ đô được ngành văn hóa, các cấp ngành khác thực hiện thường xuyên, không chỉ là ý nghĩa phát huy giá trị di sản mà thông qua đấy còn tạo “nhịp đập” chung cho các loại hình văn hóa.

Cả khu vực Hà Nội cũ và khu vực mở rộng đều đa dạng các loại hình văn hóa, với những giá trị to lớn nên việc bảo tồn, phát huy và tạo những “sân chơi” ý nghĩa cho các câu lạc bộ văn hóa là cần thiết.

15 năm qua, sự hợp lưu của các dòng văn hóa Thăng Long và xứ Đoài đang ngày càng khẳng định sự hòa hợp và phát triển mạnh mẽ.

Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho văn hóa Hà Nội, củng cố vị thế của một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, làm giàu thêm đời sống văn hóa hiện nay./.

Bài 2: Làm giàu thêm đời sống văn hóa mới

Bài cuối: Kết tinh, lan tỏa văn hóa Hà Nội

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục