Ngày 13/2, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức họp với các sở ban ngành liên quan, 11 doanh nghiệp xuất khẩu gạo và 12 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tìm giải pháp tiêu thụ lúa cho nông dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, vụ lúa Đông Xuân 2018-2019, thành phố Cần Thơ xuống giống 81.264ha. Lúa đang trong giai đoạn chín và đang thu hoạch. Năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha, sản lượng dự kiến 570.000 tấn; trong đó, sản lượng lúa hàng hóa khoảng 470.000 tấn, còn lại 100.000 tấn làm lúa giống vụ sau.
Hiện các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu trên 15.000ha, thấp hơn cùng kỳ khoảng 5.000ha. Giá lúa đang xuống thấp và tiêu thụ chậm, bình quân thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so cùng kỳ và khó tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu do chưa ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để thu mua lúa dự trữ khiến giá lúa giảm.
[Đồng Tháp: Liên kết tiêu thụ hơn 46.000ha lúa cho nông dân]
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, cho biết so năm 2018, năm nay, thu mua lúa gạo xuất khẩu gặp khó hơn do hiện chưa có các hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp để thu mua lúa tạm trữ trong dân gặp khó khăn do lượng hàng còn tồn kho khá lớn. Trong khi đó, hầu hết diện tích lúa đến giai đoạn thu hoạch hoặc chuẩn bị thu hoạch, nếu doanh nghiệp không có vốn thu mua tạm trữ, tiêu thụ sẽ gặp khó khăn.
Sở Công Thương thành phố kiến nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ cho nông dân. Mặt khác, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố trao đổi với các ngân hàng và vận động ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ gói tín dụng khoảng 1.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ cho nông dân.
Tại cuộc họp, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng thu mua lúa tạm trữ ngay thời điểm hiện tại làm nguyên liệu chế biến, chờ khi có hợp đồng mới để xuất khẩu sẽ lãi cao vì chất lượng lúa vụ Đông Xuân năm nay tốt và giá thu mua hiện ở mức thấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp than thiếu vốn lưu động thu mua lúa tạm trữ vì hiện nguồn vốn đã đầu tư vào cở sở vật chất.
Một số doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân phải chuẩn bị sẵn vốn để thu mua lúa trong hợp đồng. Một số doanh nghiệp khác ngoài gặp khó về nguồn vốn còn khó khăn trong vấn đề kho bãi dự trữ... Các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng tăng hạn mức đối với doanh nghiệp vay vốn mà không cần hỗ trợ lãi suất hoặc tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các thủ tục vay... Cách làm này giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, giải pháp duy nhất giải quyết bài toán tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân là nguồn vốn cho doanh nghiệp. Hiện lúa đang thu hoạch có chất lượng tốt. Các doanh nghiệp cần tập trung thu mua ngay, không nên ngồi chờ có hợp đồng xuất khẩu mới thu mua, nhưng hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều thiếu vốn. Riêng Công ty Trung An đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng nên thiếu vốn để thu mua tạm trữ. Doanh nghiệp đề xuất ngân hàng cần mạnh dạn cho doanh nghiệp vay vốn.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thành phố Cần Thơ, đã yêu cầu các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn nên làm việc với các doanh nghiệp về hạn mức cụ thể hoặc bổ sung định mức tín dụng nếu được. Trường hợp không tăng được định mức tín dụng vay phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian ngắn nhất để doanh nghiệp có vốn mua lúa cho dân. Các ngân hàng có thể vận dụng giải pháp khác tăng định mức vay, đồng thời trình Hội sở ngay để tăng vốn vay cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Ông Hà kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố phối hợp với các tỉnh trong khu vực cùng kiến nghị với Hội sở Ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ vốn chung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tổng dư nợ của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến nay khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu mỗi chi nhánh ngân hàng bổ sung định mức vay phục vụ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo trên địa bàn 10% tổng dư nợ, tương đương 700 tỷ đồng, chắc chắn sẽ giải quyết được nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Kết luận cuộc họp, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đề nghị các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ngân hàng... đồng lòng gỡ khó khăn cho nông dân. Đồng thời, yêu cầu các chi nhánh ngân hàng báo cáo khẩn về Hội sở để có nguồn vay bổ sung.
Hội Nông dân thành phố cần có công văn gửi Hội Nông dân Trung ương để có văn bản gửi Hội sở Ngân hàng có kế hoạch hỗ trợ. Các chi nhánh ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải ngân thu mua lúa của nông dân thời gian sớm nhất và xin Hội sở tăng thêm định mức vay cho các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Cần Thơ khẩn trương chỉ đạo Quỹ tín dụng thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để các ngân hàng cho vay vốn thu mua lúa trong dân.
Về định hướng lâu dài, ông Nam cho biết, toàn bộ diện tích sản xuất lúa chưa được bao tiêu cần được ngành nông nghiệp, địa phương đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân. Ngành nông nghiệp quản lý chặt về vấn đề giống, đảm bảo cơ cấu giống phù hợp phục vụ xuất khẩu.
Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp thành phố chú trọng quan hệ với bộ ngành để có thông tin sớm cho doanh nghiệp, nhất là với thị trường có tác động lớn đến tình hình xuất khẩu gạo./.