Ngày 4/4, tại hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong giai đoạn đổi mới, nhu cầu là cần đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp nên phải áp dụng các biện pháp canh tác có sử dụng các chất hóa học, vô cơ.
Tuy nhiên hiện nay, khi nhu cầu lương thực đã được đảm bảo, thực phẩm không chỉ đủ mà phải ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm. Do vậy, nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi sắp tới của nông nghiệp Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, sản xuất hữu cơ Việt Nam đang từng bước phát triển. Thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiB) năm 2017 cho thấy, diện tích nuôi trồng hữu cơ của Việt Nam năm 2015 đạt hơn 76.000ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010 và tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu… Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường như Nhật Bản, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Singapore.
Hiện nay, cả nước mới chỉ có hai mô hình sản xuất hữu cơ là mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân là đơn vị chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để sản xuất và một phần tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Các nhóm hộ nông dân sản xuất chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Các nhóm hộ này sản xuất dựa trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, chưa đăng ký để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế do đó thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh, gía thấp do chưa nhận được tin cậy của người tiêu dùng trong nước.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, Việt Nam có khoảng 30/63 tỉnh thành phố triển khai nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Đối với lĩnh vực chăn nuôi thủy sản có hai trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ với quy mô lớn là Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk với trang trại ban đầu tại tỉnh Lâm Đồng (khoảng 500 con) và trang trại bò sữa của Công ty TH TrueMilk với tổng đàn bò sữa khoảng 1.000 con.
Đối với vật tư đầu vào, cả nước có khoảng 250 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ với công suất đăng ký khoảng 4 triệu tấn/năm; đã cấp phép 115 đơn vị với tổng công suất khoảng 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, lượng phân bón hữu cơ thực tế chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn/năm, chiếm 10% tổng phân bón sử dụng.
Trên thực tế, phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ bởi quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian khá dài cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường cho sản xuất của nông nghiệp hữu cơ không ổn định. Việt Nam vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng cho sản phẩm và lòng tin của người tiêu dùng chưa đảm bảo…
Để thúc đẩy người dân tham gia sản xuất hữu cơ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng: “Chúng ta phải quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước chưa bị ô nhiễm, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng; đồng thời thường xuyên thanh tra, giám sát việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ đã được chứng nhận và đạt tiêu chuẩn."
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất hữu cơ, phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; nâng cao năng lực của các tổ chức chứng nhận và đội ngũ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng xã hội hóa.
Để tạo ra hành lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ phát triển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025, xây dựng hành lang pháp lý để công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hưu cơ.
Ngoài ra, Chính phủ cần ưu tiên chính sách về đất đai, tín dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, ban hành các chính sách đột phá thu hút đầu tư của xã hội trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Đồng tình với các giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc phát triển và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, bà Hoàng Thị Hậu, Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội) đề xuất các ngành chức năng cần tăng cường mạnh hơn về nông nghiệp hữu cơ, giành ngân sách riêng về công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách về nông nghiệp các cấp.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần nâng cao năng lực cho đội ngũ quản trị hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới về công tác tổ chức quản lý giám sát các mô hình nông nghiệp tập trung; đồng thời tập trung tập huấn về nội dung kỹ thuật canh tác hữu cơ trực tiếp cho người nông dân sản xuất và Nhà nước cũng cần sớm ra bộ tiêu chuẩn về hữu cơ Việt Nam./.