Bàn giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo và rau quả

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp về sản xuất, xuất khẩu gạo, rau quả. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp về sản xuất, xuất khẩu gạo, rau quả. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù xuất khẩu các mặt hàng như gạo, rau quả… đạt được nhiều kết quả tích cực, song để tận dụng tốt các cơ hội thị trường nhằm thúc đẩy xuất khẩu đồng thời đảm bảo nguồn hàng phục vụ tiêu dùng trong nước, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đây cũng là nội dung chính của buổi làm việc do hai Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp chủ trì, làm việc với các hiệp hội ngành hàng gạo, rau quả về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng nông sản, diễn ra chiều nay (28/5), tại Hà Nội.

Tín hiệu xuất khẩu tích cực

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về giá trị.

Điểm nổi bật là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ. Đơn cử, mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia chiếm 70,69% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, còn với ngành hàng rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 61,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, thông tin thêm hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam trong những tháng đầu năm đều tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, giá gạo trong nước cũng tăng so với cùng kỳ, đảm bảo được hiệu quả cho người trồng lúa.

“Đúng như dự báo từ cuối năm trước, gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục sôi động, bởi các thị trường lớn đều tăng số lượng nhập khẩu,” ông Nguyễn Ngọc Nam cho hay.

Báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy dự kiến, diện tích sản xuất lúa năm 2024 ước khoảng 7,09 triệu hécta, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/hécta, tăng khoảng 0,2 tạ/hécta so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35.000 tấn so với năm 2023.

Diện tích lúa từ nay đến cuối năm dự kiến gieo cấy khoảng 2,89 triệu hécta; diện tích thu hoạch dự kiến đạt 4,45 triệu hécta và sản lượng dự kiến thu được khoảng 25,56 triệu tấn.

Theo lãnh đạo Cục trồng trọt, sản lượng gạo hàng hóa chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi từ nay đến cuối năm sản lượng lúa gạo các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long dự kiến đạt 24,20 triệu tấn; trong đó tiêu thụ nội địa cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... khoảng 9 triệu tấn. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu ước khoảng 15,20 triệu tấn, tương đương 7,60 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.

164A0575.JPG
Đóng gói gạo phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, với mặt hàng rau quả, dự kiến hết năm 2024 tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu hécta (tăng khoảng 20.000 hécta). Tổng sản lượng quả thu hoạch 5 tháng đầu năm khoảng 4,429 triệu tấn; tổng sản lượng cả năm đạt 13,506 triệu tấn, tăng khoảng 3,4% so năm 2023.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay tính đến ngày 20/5, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường chủ lực tiếp tục tăng với tốc độ cao, trong đó Trung Quốc đứng đầu, tiếp đến là Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản…

Chú trọng vấn đề xây dựng thương hiệu

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những tồn tại có thể kéo lùi những kết quả xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp, như việc xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân còn lỏng lẻo, hay xa hơn nữa chính là việc xây dựng được thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị cho lĩnh vực này.

Theo đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam, tại một số thị trường, nhà nhập khẩu yêu cầu cao về khâu chế biến do vậy, các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần quan tâm đến thị hiếu của khách hàng để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

“Việt Nam đã có chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến nên cần có cơ chế ưu việt nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu,” ông Nguyễn Thanh Bình nêu ý kiến.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp. Dẫn chứng tại một số hội chợ quốc tế, theo ông, có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng một góc để trưng bày sản phẩm mà không đi chung với hiệp hội hay bộ, ngành.

Do vậy, ông nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp và hội viên tiếp cận thông tin, khai thác tối đa ưu đãi từ các FTA, đảm bảo đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường cũng như bảo vệ thương hiệu sản phẩm, ngành hàng.

0e8a890d-d62c-4c9d-90a9-b30097ab2f55.jpg
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn-Bộ Công Thương tại cuộc họp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Bộ Công Thương, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản.

Cùng với đó, ngành cần chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam, nhằm khẳng định trên các thị trường truyền thống và mở rộng trên các thị trường còn nhiều tiềm năng…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục