Bàn giải pháp phục hồi sản xuất nông, thủy sản ở Nam Bộ

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chỉ có từ 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội.
Bàn giải pháp phục hồi sản xuất nông, thủy sản ở Nam Bộ ảnh 1Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sáng 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở khu vực Nam Bộ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng để phát triển kinh tế, đặc biệt là với tính chất sản xuất nông nghiệp như 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì cần xem đây là một thực thể kinh tế chứ không phải 13 mảnh ghép địa giới hành chính. Sẽ khó phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nếu tư duy theo 13 tỉnh, thành.

“Các địa phương đang họp bàn giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch, nhưng nếu các tỉnh chỉ tư duy cho địa phương mình thì sẽ không thành công," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần đưa bà con vào hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo vùng trồng, vùng nuôi có mã số, có chứng chỉ chất lượng… cùng với giảm chí phí đầu vào sản xuất. Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều dư địa để giảm chí phí sản xuất thì cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các địa phương thường rất mong muốn mời gọi doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, tiêu thụ… nhưng trước khi mời gọi doanh nghiệp, địa phương cần xem xét việc đã tổ chức sản xuất thế nào. Việc tập hợp thành tổ hợp tác, hợp tác xã để doanh nghiệp liên kết có hay chưa? Chất lượng sản phẩm đã được đảm bảo theo tiêu chuẩn gì?…

Trải qua những khó khăn trong thu mua cá tra thời gian vừa qua, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng 7 tỉnh, thành sản xuất cá tra cần có cuộc họp để tạo điều kiện lưu thông cho nhân công thu hoạch, nhân viên cung ứng giống đến các địa phương.

Hiện nhiều lao động ở cơ sở ương giống còn chưa được tiêm vaccine nên rất khó khăn di chuyển. Các tỉnh cần có sự công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 nhiều lần liên tục để có sự thông suốt trong di chuyển.

[Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội]

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin chỉ có từ 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Theo tính toán của VASEP, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3-6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5-2 năm.

Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine chưa thể đến cơ sở sản xuất, hoặc đã về quê, cách ly, hay đang điều trị COVID-19...

Ngoài ra, chủ trương của nhiều tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch. Nếu các địa phương tiếp tục giãn cách thì khả năng rất khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.

Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án và cùng doanh nghiệp làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần nhằm khôi phục sản xuất để địa phương phê duyệt nhanh nhất vì thời gian của năm không còn nhiều, làm sao để nhà máy sản xuất càng tối đa công suất càng tốt.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” có sự khác nhau giữa các tỉnh. Điển hình là việc xét nghiệm cho công nhân khá bất cập, có nơi xét nghiệm 20%, có nơi 30% tổng số công nhân. Đây đang là chi phí quá lớn với doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn rõ ràng về xét nghiệm ở doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế để có hướng dẫn về vấn đề này; trong đó, quy định rõ tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test lại và cụ thể cho các trường hợp: chưa tiêm vaccin, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú kiến nghị ngành cần có giải pháp để khuyến khích bà con phục hồi sản xuất thì mới có nguyên liệu để chế biến, từ đó có thể tạo việc làm, thu nhập cho lao động tại các nhà máy.

Bàn giải pháp phục hồi sản xuất nông, thủy sản ở Nam Bộ ảnh 2Nuôi tôm tại xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Lê Văn Quang nhận định cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng, doanh nghiệp rất lo lắng, không có nguyên liệu chế biến trả các đơn hàng. Nếu thời điểm này thả nuôi tôm gấp thì sẽ có nguyên liệu phục vụ cho thị trường châu Á cuối năm.

Thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã tăng giá mua tôm liên tục để khuyến khích bà con thả nuôi tôm. Hiện giá tôm đã gần bằng so với trước dịch COVID-19 nhưng nông dân vẫn lo ngại dịch bệnh, doanh nghiệp không thu mua nên việc thả nuôi vẫn không được như dự tính.

Về các mặt hàng rau quả, từ tháng Tám, hoạt động thu mua, phân phối rau quả đã cải thiện. Giá thu mua một số loại trái cây tại vùng sản xuất đã có tín hiệu phục hồi so với trước tháng 7/2021 do tiêu thụ thuận lợi hơn, nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trong 4 tháng đầu năm nhưng từ tháng 5 kim ngạch đã đi xuống. Đến tháng Tám là tháng thứ 4 giảm liên tiếp và giảm đến 22,5%.

Nhận định về thị trường xuất khẩu trong quý 4, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết có thể khả quan khi kinh tế của các nước là những thị trường lớn của rau quả Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ hồi phụ, nhu cầu sẽ tăng trở lại.

Để phục hồi sản xuất, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa..., cơ quan chức năng cần điều chỉnh các quy định làm các thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình mới.

Về dài hạn, cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường. Chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục