Bàn giải pháp duy trì thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh điện đàm với Tổng cục trưởng Hải quan và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc tìm giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở biên giới.
Quang cảnh buổi điện đàm tại trụ sở Bộ Công Thương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Quang cảnh buổi điện đàm tại trụ sở Bộ Công Thương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nhằm trao đổi biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc, ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã điện đàm trực tiếp với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn tìm giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi biện pháp đã được Bộ Công Thương triển khai kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đến nay để đảm bảo duy trì thông thương hàng hóa giữa hai nước.

Tại buổi điện đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn và Tổng cục trưởng (cấp Bộ trưởng) Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước và đã đạt được sự thống nhất cao về tăng cường hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương, giúp đỡ cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh dịch bệnh cũng như trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao đổi với Tổng cục Hải quan và Bộ Thương mại Trung Quốc rất cụ thể về tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu tại biên giới hai nước Việt-Trung kể từ đầu tháng Tư năm nay.

Do vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ đạo các cơ quan hải quan cửa khẩu biên giới tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi ít nhất là tương đương với thời điểm cuối tháng Ba vừa qua cho hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa giữa hai bên.

Trả lời đề xuất của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Tổng cục trưởng Hải quan và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đều nhất trí về việc cần phải có biện pháp nhằm giảm áp lực thông quan và cho biết trước mắt sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương và lực lượng hải quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài có các biện pháp giảm áp lực ùn ứ hàng hóa.

Cụ thể, thời gian làm thủ tục thông quan sẽ khôi phục lại như trước đó, buổi sáng bắt đầu từ 8 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 12 giờ đến 16 giờ theo giờ Việt Nam và hoạt động thông quan tại khu vực trên vào ngày nghỉ cuối tuần cũng được nối lại.

[Tháo gỡ khó khăn cho thương mại Việt Nam-Trung Quốc giữa dịch COVID-19]

Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng đề xuất thêm một số giải pháp khác như đơn giản hóa thủ tục kiểm tra đối với hàng nông sản, phân luồng hàng hóa sang các cửa khẩu khác, tăng cường nhập khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu đường sắt Bằng Tường-Đồng Đăng.

Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc và Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê chuẩn mới các cửa khẩu tại khu vực biên giới đất liền hai nước được chỉ định là cửa khẩu nhập khẩu trái cây, lương thực và thủy sản.

Bên cạnh đó, mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng-Bằng Tường; “đặc cách” mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu “chính ngạch” sang thị trường Trung Quốc bởi các mặt hàng này đang chờ hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu phía Trung Quốc khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề xuất việc gia hạn danh mục các doanh nghiệp xuất khẩu bột cá của Việt Nam hết hạn từ tháng Hai năm nay; khôi phục tư cách xuất khẩu cho một số doanh nghiệp bị tạm dừng tư cách xuất khẩu một số mặt hàng như thủy sản, gạo…

Đáng lưu ý, hai bên cũng trao đổi các biện pháp thuận lợi hóa thương mại áp dụng công nghệ 4.0 và thống nhất các hoạt động xúc tiến thương mại online, giúp doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc duy trì mối liên hệ thường xuyên, tạo lập những quan hệ đối tác mới.

Thêm nữa, hai bên sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên duy trì thương mại mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử… nhằm bảo đảm chuỗi sản xuất cung ứng và hoạt động sản xuất của hai nước.

Bàn giải pháp duy trì thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc ảnh 1Các xe chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tại buổi điện đàm, các Bộ trưởng cũng đã trao đổi về kế hoạch hành động sau dịch để có thể ngay lập tức triển khai những hoạt động thúc đẩy thương mại song phương và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Cùng với đó là việc hoàn thiện, ký kết và đưa vào triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Chương trình hợp tác liên bộ, ngành giữa hai nước (gồm Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan Trung Quốc) nhằm tạo điều kiện cho việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, công nhận lẫn nhau giữa các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của hai bên, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế.

Từ cuối tháng Ba vừa qua trước khi Trung Quốc có động thái tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan qua biên giới đất liền, Bộ Công Thương chủ động giao thiệp với Chính quyền Quảng Tây và Vân Nam nhằm đảm bảo hoạt động thương mại hai bên được thông suốt.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có Công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bí thư Quảng Tây và làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để đề nghị quan tâm tháo gỡ ách tắc cho giao thương hàng hóa giữa hai bên.

Trước đó, ngay sau Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương biên giới và phía Trung Quốc xây dựng và triển khai thành công cơ chế phối hợp giám sát y tế, phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi cư dân biên giới tại các cửa khẩu, cặp chợ biên giới giữa hai nước.

Quy trình này không những đảm bảo cho hoạt động thông thương hàng hóa Việt-Trung được duy trì thông suốt mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối về phòng chống dịch bệnh thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục