Bản đồ chứng khoán châu Á: Sắc xanh, đỏ đan xen

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều, với chỉ số chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương MSCI (trừ Nhật Bản) giảm 0,2%.
Bản đồ chứng khoán châu Á: Sắc xanh, đỏ đan xen ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chiều ngày 17/7, các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều, với chỉ số chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương MSCI (trừ Nhật Bản) giảm 0,2%.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của TTCK Tokyo quay đầu giảm 9,04 điểm (0,06%) xuống đóng cửa ở mức 15.370,26 điểm. Các nhà phân tích nhận định chỉ số Nikkei đi xuống là do xu hướng tăng giá của đồng yen và thị trường thiếu các chất xúc tác.

Tuy nhiên, chuyên gia Shigeo Sugawara, thuộc Sompo Japan Nipponkoa Asset Management, khẳng định các nền tảng cơ bản của thị trường không tệ như dự đoán ban đầu của giới giao dịch. Điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh-dự kiến vào những tuần tới.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 11,69 điểm (0,57%) xuống 2.055,59 điểm, trong bối cảnh các nhà đầu tư "găm" tiền chờ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Rớt giá mạnh nhất trong phiên này là cổ phiếu của các công ty bất động sản và sản xuất ôtô. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng cũng giảm 2,41 điểm xuống 23.520,87 điểm.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kopsi của TTCK Seoul tăng 7,42 điểm (0,37%) lên 2.020,90 điểm, trong bối cảnh thị trường đang dấy lên tin đồn về các biện pháp kích thích kinh tế của tân Bộ trưởng Tài chính Choi Kyung-hwan.

Dự kiến, sau khi nhậm chức Bộ trưởng Choi sẽ đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và nới lỏng các quy định đối với lĩnh vực bất động sản.

Trong khi đó, tại thị trường Nga, các chỉ số đồng loạt đi xuống, sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Cụ thể, chỉ số MICEX giảm 2,5% và chỉ số RTS giảm 3,2%.

Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hàng loạt cơ quan và lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, từ các công ty năng lượng tới các ngân hàng và các công ty quốc phòng.

Các công ty của Nga thuộc diện bị trừng phạt lần này có Ngân hàng Gazprombank, Công ty dầu mỏ Rosneft Oil Co, Công ty khí đốt Novatek, Ngân hàng Vnesheconombank (VEB), Công ty vận tải biển Feodosiya Enterprises./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục