Bản đồ biên giới Campuchia-Việt Nam sẽ gửi Liên hợp quốc lưu giữ

Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ thảo luận với Việt Nam để thực hiện hoàn tất công tác phân giới cắm mốc 16% đường biên giới trên đất liền còn lại.
Bản đồ biên giới Campuchia-Việt Nam sẽ gửi Liên hợp quốc lưu giữ ảnh 1Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Samdech Pichey Sena Tea Banh (giữa) chuyển giao bản sao bản đồ địa hình biên giới giữa Campuchia-Việt Nam cho đại diện các cơ quan hữu quan Campuchia. (Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng/TTXVN)

Ngày 27/8, Bộ trưởng cấp cao phụ trách Ủy ban Biên giới Campuchia Var Kimhong thông báo Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ gửi bộ bản đồ địa hình biên giới đã được Campuchia và Việt Nam thống nhất cho Liên hợp quốc lưu giữ để cộng đồng quốc tế công nhận.

Phát biểu tại lễ chuyển giao bản sao bản đồ địa hình biên giới giữa Campuchia-Việt Nam tỷ lệ 1/25.000 cho 35 bộ và cơ quan nhà nước Campuchia, ông Var Kimhong nêu rõ: “Chúng tôi có kế hoạch gửi bộ bản đồ địa hình này tới lưu giữ ở Liên hợp quốc."

Ông cũng cho biết Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ thảo luận với Việt Nam để thực hiện hoàn tất công tác phân giới cắm mốc 16% đường biên giới trên đất liền còn lại.

Bộ bản đồ địa hình nói trên là kết quả của công tác phân giới cắm mốc 84% đường biên giới trên đất liền giữa hai nước Campuchia và Việt Nam, được khởi đầu từ năm 2006.

Bộ trưởng cấp cao Var Kimhong khẳng định bộ bản đồ địa hình trên được sản xuất theo bản đồ gốc từ thời Pháp thuộc với tỷ lệ 1/100.000.

Lễ chuyển giao bản sao bản đồ địa hình biên giới giữa Campuchia-Việt Nam tỷ lệ 1/25.000 cho 35 cơ quan/bộ ngành hữu quan của Campuchia được tổ chức ngày 27/8 tại Cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Samdech Pichey Sena Tea Banh.

Bộ bản đồ địa hình biên giới Campuchia-Việt Nam tỷ lệ 1/25.000 thể hiện đầy đủ thành quả phân giới cắm mốc (khoảng 84%) và là phụ lục không thể tách rời của Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Campuchia-Việt Nam được hai nước ký ngày 5/10/2019 cùng với Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005.

[Campuchia chuyển giao bản sao bản đồ biên giới Campuchia-Việt Nam]

Trước đó, vào ngày 1/8/2020, đoàn Việt Nam do ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia làm Trưởng đoàn; đoàn Campuchia do ông Var Kim Hong, Bộ trưởng Cao cấp phụ trách công tác biên giới, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc Campuchia-Việt Nam làm Trưởng đoàn đã gặp gỡ trao đổi công việc và giao nhận bản đồ địa hình biên giới tỷ lệ 1/25.000 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Hai bên đã tiến hành kiểm tra, rà soát và thống nhất toàn bộ 500 bộ bản đồ địa hình biên giới đã được đóng tập, trong đó gồm 250 bộ tiếng Việt-Khmer và 250 bộ tiếng Khmer-Việt đã có đầy đủ chữ ký của các cấp có thẩm quyền của hai nước và được phía Việt Nam đóng tập (Album) chắc chắn, đúng quy cách kỹ thuật.

Trên cơ sở trao đổi và thống nhất, phía Việt Nam đã trao cho phía Campuchia 250 bộ bản đồ gốc, trong đó tiếng Khmer-Việt gồm 130 bộ đóng tập và 100 bộ đóng nẹp (có thể tháo rời) và tiếng Việt-Khmer gồm 20 bộ đóng tập để phục vụ công tác biên giới đất liền giữa hai nước.

Phía Việt Nam cũng giữa 250 bộ bản đồ gồm 230 bộ bản đồ tiếng Việt-Khmer và 20 bộ bản đồ tiếng Khmer-Việt.

Việc hai bên hoàn thành công tác giao nhận bộ bản đồ địa hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia là cơ sở quan trọng giúp thúc đẩy tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước được ký ngày 5/10/2019 có hiệu lực.

Trước đó, vào ngày 5/10/2019, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản công nhận kết quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Campuchia và Việt Nam.

Campuchia và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ dài 1.270km./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục