Bán đảo Triều Tiên dưới góc nhìn Tam giác ngoại giao Mỹ-Trung-Triều

Hạt nhân luôn là vấn nóng trên bán đảo Triều Tiên. Liệu Donald Trump có thể làm việc với cả hai bên của tam giác ngoại giao Mỹ-Trung-Triều?
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới liên Triều ngày 30/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới liên Triều ngày 30/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng edition.cnn.com đưa tin, khi bàn đến việc môi giới một thỏa thuận giữa Triều Tiên và Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đứng dậy ra ngoài trong khi Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn ở lại.

Đó là một sự đảo ngược mạnh mẽ so với nhiều tháng trước, khi Moon Jae-in đang tìm kiếm một giải thưởng Nobel Hòa bình vì đã đưa hai bên xích lại gần nhau và có được cả một hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và sau đó là giữa Kim và Trump.

Mặc dù Trung Quốc ủng hộ nỗ lực này, đồng minh truyền thống của Triều Tiên dường như có nguy cơ bị gạt ra ngoài, vì Bình Nhưỡng tìm kiếm sự ủng hộ cả về kinh tế và ngoại giao từ người láng giềng ở phía Nam.

Nhưng sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump lần hai tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận nào, ảnh hưởng của Tập Cận Bình đã tăng trở lại.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã thử vũ khí tầm ngắn và mở lại chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ chống Seoul, rõ ràng là để trừng phạt việc Moon đã thất bại trong việc duy trì tiến trình hòa bình được tiếp tục và không sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt (đối với Triều Tiên) khi mà Washington không làm điều đó.

"Các mối quan hệ đang tiến triển trên cơ sở mối quan hệ cá nhân giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ", Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố trong tuần này. "Chính quyền Hàn Quốc sẽ quan tâm hơn đến công việc nội bộ của chính họ."

Các lệnh trừng phạt là điểm mấu chốt trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Việt Nam và cũng là một điểm mà Trung Quốc có thể đề cập tới khi viện trợ cho Bình Nhưỡng.

Luôn là đồng minh kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc đã ủng hộ Liên hợp quốc chống lại chế độ Kim Jong-un kể từ khi nhà lãnh đạo này đẩy mạnh việc thử hạt nhân và tên lửa, nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh cam kết với chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Trump.

Trump đã có mặt tại Hàn Quốc ngày 30/6 trong chuyến thăm đầu tiên tới Bán đảo Triều Tiên kể từ khi các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng bắt đầu.

Ông đã đến thăm khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền và gặp Chủ tịch Kim Jong-un.

Tổng thống Mỹ dường như đang có tâm trạng muốn đạt được thỏa thuận, nhờ cuộc gặp song phương thành công ngoài mong đợi với Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản).

Sau hội nghị, Trump đã giảm bớt một số hạn chế của Washington đối với tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Tập Cận Bình dường như đã nhận được những gì mình muốn từ các cuộc họp ở Osaka, và giờ vẫn còn phải xem liệu ông ta sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Kim Jong-un để trao cho Trump thứ mà ông muốn ở Hàn Quốc.

Ba nhà lãnh đạo đang ở trong một tam giác ngoại giao, trong đó người này dựa vào những người kia để có được điều họ mong muốn.

[Con đường gập ghềnh dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3]

Cuộc mặc cả quan trọng

Về lý thuyết, các chính phủ được cho là có thể xem xét các vấn đề và tranh cãi khác nhau giữa họ một cách riêng biệt: chúng ta có thể xung đột về vấn đề X nhưng vẫn có thể hợp tác trong vấn đề Y.

Hiện, đang có tranh cãi liệu điều này đã từng xảy ra hay chưa, nhưng Trump - với phong cách phá bỏ thực sự các chính sách tồn tại bấy lâu nay - đã nhiều lần ném nó ra ngoài cửa sổ.

Tháng Năm vừa qua, ông đã đề xuất một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh có thể bao gồm việc giảm sức ép đối với Huawei, bất chấp những lo ngại của Mỹ về công ty viễn thông khổng lồ này của Trung Quốc được cho là vì lý do an ninh hơn là kinh tế.

Trong vấn đề Triều Tiên cũng vậy, Trump đã nói rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Bình Nhưỡng có thể mang lại lợi ích cho Bắc Kinh.

"Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối với Triều Tiên. Và Trung Quốc có thể sẽ quyết định giúp chúng tôi trong vấn đề Triều Tiên, hoặc không," Trump tuyên bố hồi năm 2017.

"Nếu họ làm như vậy, điều đó sẽ rất tốt cho Trung Quốc, và nếu họ không làm vậy, thì sẽ không tốt cho bất cứ ai."

Trump cũng đã thể hiện mình là một người hâm mộ đối với một cuộc thương thuyết quan trọng, thậm chí vứt bỏ nhiều năm làm việc trước đây của các nhà đàm phán Mỹ để ủng hộ việc đạt được một thỏa thuận theo các điều kiện của ông.

Một trong những lý do khiến người ta tin rằng Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội chưa thành công là vì Bình Nhưỡng đang thúc đẩy sự tiến triển dần dần để đổi lấy việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, trong khi Washington muốn có một thỏa thuận với phạm vi rộng hơn nữa để giải quyết được nhiều vấn đề - và mang lại cho Trump một thành tựu đáng tự hào trong bối cảnh ông chuẩn bị ra tái tranh cử tổng thống vào năm 2020.

Mặc dù chúng ta không biết các chi tiết chính xác về những gì Trump và Tập Cận Bình đã thảo luận tại G20, nhưng trước đây Trump từng nhấn mạnh những lợi ích kinh tế tiềm năng của một thỏa thuận hạt nhân.

[Còn nhiều bất ổn dài hạn dù Mỹ-Trung đạt thỏa thuận đình chiến]

Và không nghi ngờ gì nữa, một Triều Tiên cởi mở hơn và hướng tới nền kinh tế thị trường chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Trung Quốc nhiều như ở Mỹ.

Người thắng và kẻ thua

Vậy, những người chơi trong tam giác ngoại giao này muốn gì ở nhau?

Tập Cận Bình có lẽ có vị trí an toàn nhất. Ông muốn Mỹ giảm thuế, nhưng khi đề cập vấn đề Triều Tiên, Bắc Kinh đã cho thấy họ sẵn sàng chơi với cả hai bên, gây sức ép mạnh mẽ với Bình Nhưỡng về các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng cũng vui lòng cung cấp viện trợ và sự ủng hộ khi cần thiết, đặc biệt nếu điều đó làm suy yếu các đối thủ Washington và Seoul vào thời điểm quan trọng.

Kim Jong-un đã nói rõ rằng ông muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt sau các vụ thử vũ khí để cho phép nền kinh tế Triều Tiên phát triển và đặc biệt thu hút đầu tư từ Hàn Quốc.

Nhưng nếu việc đó không xảy ra, mà thay vào đó là sự viện trợ kinh tế có thể đến từ Trung Quốc, và nếu Mỹ không sẵn sàng xóa bỏ các lệnh trừng phạt, Bình Nhưỡng có thể từ chối việc chắc chắn tiến hành phi hạt nhân hóa với nhận thức rõ rằng Bắc Kinh - và có lẽ cả Seoul - sẽ không ủng hộ việc quay lại chính sách "gây sức ép tối đa" và cách tiếp cận "lửa và thịnh nộ" của hai năm trước.

Washington chắc chắn có nhiều thứ để đưa ra mặc cả với hai bên còn lại, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và chiến tranh thương mại, nhưng những đòi hỏi của Mỹ - như sự nhượng bộ của Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và phi hạt nhân hóa hoàn toàn ở Triều Tiên - cũng khó đạt được hơn, đặc biệt nếu Trump không sẵn sàng thỏa hiệp.

Một nhà đàm phán giỏi hơn có thể sẽ môi giới một số thành công ngắn hạn và thúc đẩy cuộc chơi tiếp tục, ví dụ như việc Trung Quốc đồng ý gây sức ép với Triều Tiên để nước này chấp thuận thời hạn tiến hành phi hạt nhân hóa và cho phép thanh sát quốc tế để đổi lấy việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt và giảm hàng rào thuế quan nhất định.

Nhưng đó là một quá trình hỗn độn, phức tạp sẽ không dẫn đến bất kỳ chiến thắng quan trọng lớn nào.

Liệu Trump có thể làm việc với cả hai bên của tam giác ngoại giao này hay không, hay ông thấy mình bị mắc kẹt trong phần còn lại, hồi sau sẽ rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục