Sáng 19/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử là cần thiết, nằm trong quá trình đồng bộ với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và quan trọng nhất là để phục vụ cho hoạt động thường xuyên của Quốc hội trên 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo dựa trên lĩnh vực chuyên môn, đóng góp các ý kiến, kịp thời đề xuất những vấn đề trước mắt và lâu dài, nhằm tiếp tục kế thừa các hoạt động đang vận hành, không gây ách tắc, không gây trở ngại nhưng phải đạt chất lượng cao hơn.
Trình bày Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng ban thường trực, cho biết Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ thay mặt và chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt; chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện Đề án bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra.
[Kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử]
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ quyết định hoặc đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quá trình chuẩn bị, xây dựng và thực hiện Đề án; quyết định giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, xây dựng và thực hiện Đề án.
Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Quốc hội điện tử.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến bước đầu vào dự thảo Quy chế hoạt động; Kế hoạch hoạt động và Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo. Các đại biểu đều thống nhất cho rằng việc xây dựng Quốc hội điện tử phải đáp ứng yêu cầu về tính khả thi, hiệu quả, có định hướng tương lai; đồng thời bảo đảm đồng bộ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, chú ý đến các yếu tố khoa học, công nghệ, bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội trong quan hệ đối ngoại song phương, đa phương và các tổ chức nghị viện mà Quốc hội Việt Nam là thành viên; tham gia chủ động, tích cực, có tiếng nói của Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn chuyển đổi số.../.