Ngày 6/8, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên dẫn đầu đã kiểm tra, giám sát về tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh và kiểm tra thực tế tại hai đơn vị Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ka Nát và Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cao su Chư Pảh, ông Trần Việt Hùng đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được trong thời gian qua về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Gia Lai.
Là một tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Tây Nguyên với gần 900.000ha bao gồm ba loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất, song tỉnh Gia Lai đã có nhiều cố gắng giữ rừng, hạn chế suy thoái quỹ rừng.
Tình trạng cháy rừng trong mùa khô hàng năm trên địa bàn đều giảm, đặc biệt từ đầu năm đến nay không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Công tác trồng rừng phát triển khá mạnh, đã có hơn 61.000ha được trồng trên các vùng đất trống đồi trọc bao gồm hai loại cây trồng chính là cây lâm nghiệp (34.588ha) và cây cao su (27.000ha). Nhất là cây cao su đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng nghèo kiệt bước đầu phát huy hiệu quả, các dự án được giao quỹ đất trồng cao su đã hỗ trợ đầu tư hơn 150 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp nhận gần 1.000 lao động là người dân tộc thiểu số vào làm công nhân trong các đơn vị.
Công tác giao rừng, khoán rừng các tổ chức và hộ gia đình cũng đã được "phủ kín," tạo môi trường thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Trần Việt Hùng và đoàn công tác cũng đã nêu những bất cập còn tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Gia Lai, ảnh hưởng đến vốn rừng bền vững trong tương lai. Đó là tình trạng còn để nhiều cơ sở chế biến lâm sản hoạt động trên địa bàn, dẫn đến các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong khi cả nước đã có chủ trương đóng cửa rừng.
Tốc độ trồng rừng thay thế còn chậm, nhất là trong năm 2013 và năm 2014 không trồng được diện tích nào, trong khi đó quỹ đất trống thuộc diện quy hoạch đất lâm nghiệp của tỉnh còn khá lớn, tới 13.000ha, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là quỹ đất và rừng hơn 300.000ha được giao cho xã quản lý, chỉ có một kiểm lâm tham mưu...
Ông Trần Việt Hùng đề nghị lãnh đạo tỉnh Gia Lai cần có những giải pháp tháo gỡ, nhằm phát huy hiệu quả vốn rừng hiện có, không để tiếp tục bị suy thoái ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường trong tương lai.
Tỉnh cần đẩy mạnh công tác trồng và tu bổ rừng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở chủ động về nguồn vốn ở địa phương, trong khi nguồn vốn cấp của Trung ương còn có hạn thì địa phương và các chủ rừng cần năng động hơn trong vấn đề này.
Tỉnh cũng cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát về mục đích và hiệu quả việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, đảm bảo sự hưởng lợi của người dân một cách chính đáng, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng dự án, xử lý nghiêm việc nhập khẩu gỗ trái phép qua đường tiểu ngạch ở các vùng biên giới; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các loại phương tiện vận chuyển gỗ trên các tuyến đường chính.
Đối với Gia Lai, trong điều kiện lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn mỏng thì việc xử lý các vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng càng được tăng cường mạnh mẽ hơn trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng kiểm lâm, công an; đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm./.