Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế kinh tế có 11 thành viên

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế ký quyết định phê duyệt danh sách Ban Chỉ đạo gồm 11 thành viên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế vừa ký quyết định phê duyệt danh sách Ban Chỉ đạo này.

Theo quyết định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm Phó Trưởng Ban.

Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (kiêm Tổng Thư ký); Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế.

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế là một bộ phận của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (Ban Chỉ đạo quốc gia) được thành lập theo quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 23/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia các chủ trương, chính sách lớn, chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế; nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về các chủ trương và định hướng đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế chung để làm cơ sở cho việc xây dựng phương án đàm phán của các Bộ, ngành.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế còn giúp Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo và phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc Việt Nam tham gia các hoạt động kinh tế-thương mại trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) và các tổ chức, các diễn đàn và hiệp định kinh tế-thương mại quốc tế, khu vực khác; chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về kinh tế, thương mại trong nước để thích ứng với các định chế, các tổ chức kinh tế-thương mại quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục