Trong suốt hai năm qua, từ năm 2015-2017, nội dung quy định pháp luật mà các doanh nghiệp gặp vướng mắc nhiều nhất là Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Mặc dù trong quý 1 năm nay, Bộ Y tế đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì sửa đổi những bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định 38, tuy nhiên, tại bản Dự thảo sửa đổi Nghị định này do Bộ Y tế mới công bố gần đây vẫn còn đó những nội dung vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại buổi Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP.”
Hội thảo do Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức chiều ngày hôm qua (30/6), tại Hà Nội.
Nhiều bất cập
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, liên quan đến việc đóng góp ý kiến sửa đổi Nghị định 38, VASEP và các bên liên quan đã có các văn bản báo cáo, góp ý, kiến nghị sửa đổi các vướng mắc, bất cập. Tuy nhiên, tại Dự thảo sửa đổi (phiên bản số 7, thẩm định ngày 9/6/2017) đã không giải quyết được các vấn đề cần tháo gỡ cũng như những vướng mắc ở thực tiễn đang ngăn cản quá trình cải cách và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
[Nhiều rào cản chính sách ảnh hưởng đến thương mại nông sản nội địa]
Theo ông Nam, Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ – CP là một quy định không có trong Luật An toàn thực phẩm, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với quy định “công bố hợp quy” – một quy định chính thức của Luật An toàn thực phẩm.
“Trong khi đó, thủ tục 'Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm' đang được đánh giá là một thủ tục hành chính phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đã nhiều lần đề nghị bãi bỏ quy định này,” ông Nam cho hay.
Liên quan đến những bất cập từ Nghị định 38, đại diện của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam), Luật sư Trần Ngọc Hân cũng thừa nhận rằng, hiện nay Amcham, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã lưu hành sản phẩm của mình trên hầu hết các nước châu Âu, châu Mỹ.
Luật sư Hân cũng cho biết, tại các nước này không có hình thức công bố sản phẩm trước khi lưu hành như của Việt Nam mà các sản phẩm đều được quản lý an toàn thực phẩm theo xu hướng kiểm tra hậu kiểm, kết hợp với kiểm tra điều kiện và quy trình sản xuất của nhà máy. Như vậy quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mặt khác, theo Luật sư Hân, Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang quy định thủ tục đăng ký công bố hợp quy của các cá nhân, tổ chức có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp, cấp lại, cấp đổi “Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy” có quy trình và tính chất như một hình thức cấp “Giấy phép con.” Cục An toàn thực phẩm (VFA) hoàn toàn dựa vào nội dung các giấy tờ của doanh nghiệp nộp lên thông qua trang web của VFA.
“Như vậy việc công bố giấy phép an toàn thực phẩm hoàn toàn là thủ tục hành chính, không đánh giá được sản phẩm có an toàn cho người sử dụng hay không. Từ hình thức thông báo tiếp nhận đã bị biến thành hình thức đăng ký công bố hợp quy và phủ hợp quy định an toàn thực phẩm. Đây thực chất là một cơ chế 'xin-cho' chứ không đóng vai trò quản lý được tình hình an toàn thực phẩm,” Luật sư Trần Ngọc Hân phân tích.
Doanh nghiệp nặng gánh khi làm thủ tục
Liên quan đến những bất cập của Nghị định 38, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận phù hợp với vệ sinh an toàn thực phẩm là chưa có cơ sở rõ ràng, nhiều quy định không minh bạch thời gian thực hiện thủ tục quá lâu.
[Mất an toàn thực phẩm, trách nhiệm chính là cơ quan quản lý Nhà nước]
“Sự bất cập của quy trình công bố sản phẩm, có doanh nghiệp cho biết họ mất 6 tháng để được cấp Giấy chứng nhận trong khi thông thường chỉ 7 ngày, mặc dù sản phẩm này đã được kiểm nghiệm đạt chất lượng. Trên thực tế, quy trình làm việc quá phức tạp, nếu hồ sơ không đúng mẫu chuẩn doanh nghiệp lại tiếp tục thực hiện bổ sung, điều này xuất phát từ nguyên nhân thủ tục không rõ ràng dẫn đến mất nhiều thời gian,” ông Đậu Anh Tuấn nói.
Mặt khác, ông Tuấn cũng cho biết, theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT giữa ba bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã thống nhất một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan nhà nước, tuy nhiên Nghị định 38 chưa giải quyết được chuyện là một sản phẩm một đơn vị quản lý. Rất nhiều sản phẩm bây giờ vẫn một sản phẩm 2 bộ, phải có 2 tờ giấy của 2 bộ mới thông qua được.
Đề xuất bãi bỏ và thay thế
Trước nhiều ý kiến khẳng định những tồn tại bất cập của Nghị định 38 hiện hành, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia cao cấp của Dự án USAID GIG cũng đưa ra đề nghị bãi bỏ quy định “công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm”
“Cụ thể, bãi bỏ khoản 2 Điều 3 (Sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm); khoản 4, khoản 5 Điều 4 và các quy định về công bố, cấp giấy xác nhận hồ sơ công bố phù hợp tại các khoản khác của Điều 4; bãi bỏ Điều 6 (Hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bỏ cụm từ “hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại các Điều 7, Điều 8 và tiết h khoản 2 Điều 20.
Chuyên gia Phạm Thanh Bình cũng đề nghị quy định mới làm rõ nội hàm 3 phương thức kiểm tra, không để mỗi Bộ quy định mỗi khác như hiện nay. Đồng thời quy định điều kiện, thủ tục xét áp dụng phương thức kiểm tra giảm một cách đơn giản để nhiều mặt hàng đã được kiểm tra được áp dụng phương thức kiểm tra này (hiện nay thủ tục rất phức tạp, tỷ lệ mặt hàng được áp dụng vô cùng nhỏ, thời gian được áp dụng quá ngắn).
Tại Công văn 10264 ngày 6/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc góp ý sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP cũng nêu rõ đề nghị bỏ quy định việc công bố phù hợp với quy đinh về An toàn thực phẩm.
Nội dung công văn này cũng đã đưa ra những giải thích công bố này không phù hợp với Luật an toàn thực phẩm và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, trách nhiệm cơ quan thẩm quyền nhà nước phải xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
[Cần làm rõ trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm]
Mặc dù, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đề xuất việc bãi bỏ và thay thế quy định công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, tuy nhiên, theo ông Trần Văn Châu – Trưởng phòng Pháp chế Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lại cho rằng, về nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm là phải dựa trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Do đó, việc quản lý chỉ dựa bằng quy chuẩn kỹ thuật là chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế này cũng cho hay, việc các ý kiến nêu Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Nghị định 38 trái luật là không chính xác bởi trong thời gian Nghị định có hiệu lực thì có hàng trăm hàng nghìn sản phẩm đã ra đời đóng góp cho ngành thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
“Đặt ngược lại nếu không có quy định của Nghị định 38 thì chúng ta có được bao nhiêu sản phẩm ra đời?,” ông Châu nói.
Mặc dù, vẫn còn nhiều bàn cãi tranh luận xung quanh vấn đề nên hay không việc bãi bỏ và thay thế bỏ quy định Công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.” Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một phương pháp quản lý chỉ thực sự hiệu quả khi có không còn vướng mắc trong doanh nghiệp, trong người dân và nó mang lại những thuận lợi, minh bạch khi thực hiện.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cũng khẳng định, tình trạng mất an toàn thực phẩm và yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề nóng hiện nay, cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, trong đó có giải pháp tăng cường sự quản lý của nhà nước.
“Nhưng tăng cường quản lý nhà nước không có nghĩa là duy trì quy định 'Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm,' bởi qua hơn 5 năm thực hiện quy định này cho thấy, đây không phải là giải pháp có tác dụng tăng cường quản lý nhà nước. Muốn có cách quản lý mới thì phải mạnh dạn bỏ phương pháp quản lý cũ và tiếp thu những cái mới," Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nói./.