Cùng với công nghiệp công nghệ cao và cảng biển-logistics, du lịch-thương mại được xác định là một trụ cột phát triển kinh tế của Hải Phòng giai đoạn 2020-2025..
Hải Phòng là thành phố cảng lâu đời, với các khu du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà...
Quần đảo Cát Bà hội tụ các danh hiệu quốc gia và quốc tế như Danh lam Thắng cảnh-Di tích Quốc gia Đặc biệt (năm 2013), Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới (năm 2004); Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới (năm 2020).
Với giá trị nổi bật về hệ sinh thái biển đảo, đa dạng sinh học và mỹ học, ngày 16/9/2023, Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Đô thị trung tâm thành phố với những giá trị văn hóa, kiến trúc, ẩm thực là những tài nguyên phong phú để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn như Food tour, City tour.
Cùng với đó, Hải Phòng có những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, hạ tầng phát triển du lịch đồng bộ, hiện đại. Các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước đã đến đầu tư.
Hải Phòng cũng là một trong số ít địa phương trên cả nước hội tụ đủ 5 loại hình giao thông gồm: đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không được kết nối đồng bộ, thông suốt.
Dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nhưng thành phố chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh.
Tại Hội thảo "Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại Hải Phòng," Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Thương Huyền, cho biết dù đạt một số kết quả song so với lợi thế về tiềm năng và yêu cầu đặt ra thì du lịch Hải Phòng còn nhiều hạn chế.
Bà Huyền chỉ ra một số hạn chế như: tình trạng tắc nghẽn giao thông, chưa có bến tàu chuyên dụng phục vụ du khách hay đủ sức tiếp nhận du thuyền, những tàu có tải trọng lớn; cơ sở lưu trú 5 sao tập trung nhiều ở vùng nội đô; nhiều dự án vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại lớn có khả năng thu hút và hấp dẫn khách du lịch vẫn đang trong quá trình triển khai, tiến độ triển khai còn chậm...
Theo bà Huyền, những thiếu hụt trên là nguyên nhân cơ bản làm giảm tính hấp dẫn, thu hút của du lịch Hải Phòng so với các địa phương có cùng tiềm năng nhưng được đầu tư có chiều sâu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về chính sách, pháp luật hiện hành đối với thu hút các dự án đầu tư du lịch; những nút thắt pháp lý cần tháo gỡ, những rào cản từ thực tiễn cần khơi thông, giải pháp đột phá trong thu hút đầu tư phát triển du lịch tại thành phố.
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình chia sẻ một số nội dung liên quan đến phát triển du lịch tại các địa phương, tập trung vào các nội dung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Các đại biểu cho rằng xây dựng các chiến dịch truyền thông, thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển.
Thành phố Hải Phòng phát triển du lịch biển đảo mang dấu ấn riêng
Theo Sở Du lịch Hải Phòng, giai đoạn 2016-2019, tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 15,3%/năm, lượng khách du lịch tăng bình quân 15%/năm.
Đến năm 2019, Hải Phòng đón được 9,1 triệu lượt khách, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra cho năm 2020 (đón 8 triệu lượt khách).
Năm 2022, cùng với cả nước, hoạt động du lịch tại Hải Phòng "mở cửa" trở lại từ ngày 15/3; thành phố đã đón, phục vụ 7 triệu lượt khách.
Dự kiến năm 2023, Hải Phòng đón 7,5 triệu lượt khách; đến năm 2024, du lịch thành phố kỳ vọng phục hồi trở lại bằng năm 2019 (trước khi xảy ra COVID-19)./.