Ngày 6/2, nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2021) và chúc mừng thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam (CVFS) tổ chức hội thảo trực tuyến với tiêu đề “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam,” thu hút sự tham gia nhiệt tình, hào hứng của đông đảo bạn bè Canada.
Điểm đặc biệt là hội thảo lần này là nhận được sự quan tâm của các học giả từ Anh, Mỹ và Argentina.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, hội thảo đã cung cấp thông tin về một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, ghi dấu chặng đường 35 năm Đổi mới của đất nước, đánh dấu 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.
Đại hội lần này cũng chứng kiến Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ thế giới trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế.
Là diễn giả chính của hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong đã đem đến cho bạn bè Canada bức tranh khái quát về quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; điểm lại những mốc son hào hùng của dân tộc; khẳng định trải qua 91 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị-xã hội của Việt Nam ổn định, nền quốc phòng, an ninh được bảo đảm, độc lập, chủ quyền được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện hơn rất nhiều.
Về đối ngoại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia trong tổng số 193 thành viên Liên hợp quốc, kết nối kinh tế với 230 đối tác.
[Hành động để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống]
Việt Nam là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực, bao gồm Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ASEAN, APEC, ASEM..., và đã đàm phán để ký 17 Hiệp định thương mại tự do với 58 đối tác.
Trong mối quan hệ hữu nghị đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Canada, Đại sứ Phạm Cao Phong nhấn mạnh hai nước cùng nhau cam kết coi thương mại và đầu tư hai chiều là động lực cho mối quan hệ song phương, và sẽ tiếp tục quan tâm đến thị trường của nhau với vị trí là thị trường quan trọng, thúc đẩy thương mại và đầu tư ở những lĩnh vực chủ chốt.
Việt Nam và Canada đang hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu sôi nổi thảo luận về nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, về việc Việt Nam đã đối phó như thế nào với những thách thức kinh tế hồi giữa thập niên 80, khi khối xã hội chủ nghĩa gặp khó khăn.
Nhờ công cuộc Đổi mới, từ một nước nghèo, phải nhập khẩu lương thực, với thu nhập bình quân đầu người chỉ 86 USD, Việt Nam đã chuyển mình, nâng mức này lên khoảng 2.800 USD, là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.
Riêng năm ngoái, trong khi sức tăng trưởng GDP của thế giới rơi vào vùng âm, kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 2,91%.
Bạn bè Canada bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, khi tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay chỉ tương đương khoảng một nửa số ca nhiễm mới trong 1 ngày tại Canada.
Ông Steve Rutchinski, đại diện CVFS bày tỏ khâm phục về cách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối diện với thực tế của thế giới, tự quyết định Đổi mới và tiến lên với mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân, phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền và thúc đẩy hòa bình.
Ông Steve Rutchinski nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam rất quan trọng trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề trên.
Các học giả Canada cùng đại biểu tham gia hội thảo đều bày tỏ trân trọng những thắng lợi của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc Đổi mới hiện nay, không chỉ khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là người mở đường và truyền cảm hứng cho khát vọng độc lập, hùng cường của toàn dân tộc, mà còn cho thấy Đảng là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của đất nước.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cách đây 91 năm đã đáp ứng đúng yêu cầu phát triển khách quan của phong trào yêu nước và của giai cấp công nhân nước ta lúc bấy giờ.
Quá trình phát triển của Đảng gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sáng tạo lý luận xuất sắc.
Hội thảo cũng giới thiệu đến bạn bè quốc tế cuốn sách “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc” do tác giả Nguyễn Đài Trang tuyển chọn.
Cuốn sách này giới thiệu 20 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm 13 bài trong tác phẩm Chủng tộc da đen viết năm 1924-1925 và 7 bài viết trong các giai đoạn 1922-1924 và 1963-1966. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Chủng tộc da đen cách đây gần một thế kỷ, nhưng ngày nay tác phẩm vẫn vẹn nguyên tính thời sự nóng hổi./.