Bamboo Airways: Hướng tới mục tiêu ''hãng hàng không công nghệ''

Bamboo Airways hiện đang nắm giữ 10-11% thị phần hàng không và việc mở rộng đội tàu bay, đường bay quốc tế sẽ giúp hãng cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không khác.
Dự kiến đến cuối năm 2020, Bamboo Airways sẽ khai thác 50 máy bay, với 12 trong số đó là Boeing 787-9. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Dự kiến đến cuối năm 2020, Bamboo Airways sẽ khai thác 50 máy bay, với 12 trong số đó là Boeing 787-9. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hãng hàng không Bamboo Airways sẽ tiếp tục mở rộng đường bay nội địa và quốc tế nhờ vào việc đội tàu bay liên tục được bổ sung cũng như mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất. Và, lãnh đạo hãng tin tưởng rằng việc đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần hàng không nội địa là không có gì xa vời và hoàn toàn thực tế.

Phủ nhận thuê “siêu máy bay” Trung Quốc

Tại buổi gặp mặt báo chí công bố sự kiện lễ đón nhận chứng nhận về an toàn khai thác quốc tế, chính thức khai thác thương mại máy bay Boeing 787-9 vào tối ngày 26/12, liên quan đến thông tin mạng xã hội đề cập Bamboo Airways thuê máy bay Boeing 787-9 của một hãng hàng không Hainan Airlines (Trung Quốc), ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways phủ nhận tin đồn này.

Ông Quyết khẳng định trong 4 chiếc Boeing 787-9, có 2 máy bay mới 100% giao trực tiếp từ nhà máy Boeing, đó là thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Boeing. Thỏa thuận này được ký dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump năm 2017.

[Máy bay Boeing 787-9 đầu tiên về với đội bay của Bamboo Airways]

Theo vị Chủ tịch Bamboo Airways, các thông tin đặt hàng của hãng với dòng máy bay Boeing 787-9 đã được đăng tải công khai trên website của Boeing.

Về 2 chiếc máy bay thuê, người đứng đầu Bamboo Airways cho biết, hãng thuê từ GECAS - Công ty cho thuê mua máy bay lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Mỹ. Dự kiến đến cuối năm 2020, hãng sẽ khai thác 50 máy bay với 12 máy bay trong số đó là Boeing 787-9.

Trước mắt, Boeing 787-9 Dreamliner sẽ được Bamboo Airways đưa vào khai thác thương mại trên chặng bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ ngày 1/1/2020, đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán 2020.

Trong tương lai, với khả năng chuyên chở tối đa 294 hành khách trên quãng đường lên tới 17.400km, đội bay thân rộng dự kiến bao gồm 12 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner đến hết năm 2020 sẽ đóng vai trò chủ lực trên các đường bay trung và dài của Bamboo Airways như các đường bay xuyên lục địa kéo dài trên 5 tiếng đến Séc, Đức, Australia, Mỹ… hay đến các thị trường nguồn của Bamboo Airways tại Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đề cập đến kế hoạch bay thẳng Mỹ vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết hãng đang hoàn thiện chứng chỉ nhà khai thác máy bay thương mại được nhà chức trách hàng không phê chuẩn (AOC) cuối tháng 12/2019 và sẽ làm thủ tục bay đến Mỹ.

“Bamboo Airways hợp tác chiến lược với hãng hàng không Mỹ để bay thẳng tới đất nước cờ hoa đồng thời tin tưởng bằng sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước sẽ kỳ vọng có thể mở đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối 2020, đầu 2021,” ông Thắng nói.

Khách sẽ lựa chọn “luồng gió mới”

Liên quan đến hãng đặt mục tiêu giữ 30% thị phần hàng không nội địa, mở rộng quy mô mạng bay lên 85 đường bay vào năm 2020, trong đó có 60 đường bay nội địa và 25 đường bay quốc tế, vị Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết cuối năm 2019, Bamboo Airways nắm giữ 10-11% thị phần hàng không, với số lượng tăng 50 tàu bay cuối năm 2020, việc đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần hàng không nội địa là không có gì xa vời và hoàn toàn thực tế với quan điểm làm tốt dịch vụ đa dạng đường bay, mang “luồng gió mới” thì hành khách sẽ lựa chọn.

“Những hành khách đã một lần đi máy bay của Bamboo Airways thì sẽ tiếp tục tin dùng, tăng tỷ lệ đi lại trong năm 2020,” ông Thắng tin tưởng.

Để làm được điều này, ông Thắng cho hay hãng sẽ có những sự chuyển mình lớn trong năm tới, trong đó bao gồm việc cơ bản trở thành một “hãng hàng không công nghệ” với nhiều dịch vụ gia tăng lợi ích cho khách hàng như chính sách khách hàng thân thiết được tự động hóa, web check-in và kios check-in cho phép khách hàng dễ dàng đặt vé và sử dụng dịch vụ…

Theo ông Thắng, năm 2020, dự kiến ngành hàng không sẽ tiếp tục tăng trưởng 17%, nhu cầu đi lại nội địa và quốc tế nhiều nên hãng tính toán khi đưa khai thác các máy bay thân rộng Boeing 787-9 là hoàn toàn hợp lý nhằm tăng đường bay quốc tế hay các đường bay hiện chưa có hãng hàng không nào khai thác.

[Bamboo Airways đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần nội địa năm 2020]

Bảy tỏ hãng có đủ nhân lực phi công, tiếp viên và không phụ thuộc nguồn nhân lực khan hiếm trong nước, theo Tổng giám đốc Bamboo Airways, số phi công của hãng có tới 80% là người nước ngoài, 800 tiếp viên đến từ nhiều nước đồng thời Bamboo Airways cũng có một trung tâm tự chủ đào tạo; trong đó năm 2020 sẽ tuyển sinh và đào tạo phi công, tiếp viên từ đầu đến cuối.

Trước câu hỏi về khả năng xin cấp phép để mở rộng quy mô đội máy bay như kế hoạch (từ 30 chiếc năm 2020 nhưng dự kiến sẽ tăng lên 50 chiếc) để chiếm thị phần, ông Trịnh Văn Quyết tái khẳng định mọi hoạt động của doanh nghiệp “phải tuyệt đối tuân theo quy định của pháp luật.”

“Bất cứ bộ luật, thể chế nào cũng ủng hộ nhà đầu tư tiếp tục củng cố quy mô khi chứng minh hoạt động hiệu quả. Với những gì Bamboo Airways đang phấn đấu ở thời điểm hiện tại, là hãng hàng không bay đúng giờ, an toàn, dịch vụ tốt, được cộng đồng ghi nhận và đánh giá tích cực, hãng tin tưởng rằng Chính phủ chắc chắn sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cấp phép trong tương lai,” Chủ tịch Bamboo Airways nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục