Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 24/3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh với những quyết tâm nỗ lực lớn của các đơn vị trong cải cách hành chính đã góp phần duy trì được đà tăng trưởng khá cao, toàn diện, các chỉ tiêu chính mà Chính phủ giao.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá việc thực hiện được nhiều nhiệm vụ đã chứng minh sự tích hợp, hợp tác của các đơn vị, các thành viên trong Bộ với nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Việc tiếp nhận, phản ánh của nhân dân, địa phương đã được các đơn vị kịp thời được giải đáp thỏa đáng.
[Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp: Để nông dân là chủ thể]
Với tinh thần “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn,” Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số từng bước hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt là việc thực hiện cần bám sát theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ gắn với thực hiện chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo ông Nguyễn Xuân Ân, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, trọng tâm là cải cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ, quy định kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Bộ cũng chỉ đạo triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của Bộ (54 nhiệm vụ, 125 hoạt động) góp phần đảm bảo thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ gắn với thực hiện chiến lược ngành.
Triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Kế hoạch hành động và phân công 6 nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu chia thành 2 nhóm: nhóm 3 chỉ tiêu giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và nhóm 6 chỉ tiêu Bộ bổ sung riêng.
Để nâng cao tính trách nhiệm, Bộ tăng cường trách nhiệm của cấp ủy Đảng, tổ chức đoàn thể và người đứng đầu các cấp trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả của cải cách hành chính.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và hoàn thành 100% (55 nhiệm vụ, 128 hoạt động) kế hoạch cải cách hành chính của Bộ, cùng các nhiệm vụ kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ và kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính (kiểm tra 15/21 đơn vị) đảm bảo yêu cầu tiến độ và hiệu quả.
Cải cách hành chính của Bộ và các đơn vị đã đạt được những chuyển biến tích cực trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật nông nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, tài chính công, xây dựng chính phủ điện tử...
Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban 1899 là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong kiểm tra chuyên ngành.
Các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành xây dựng, kết nối tổng số 29 thủ tục (100%) thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
Đến nay, các đơn vị đã tiếp nhận tổng số trên 2,13 triệu hồ sơ điện tử qua Cổng một cửa quốc gia, đã xử lý, cấp phép 2,12 triệu hồ sơ.
Riêng năm 2022, các đơn vị đã xử lý, giải quyết 508.000/510.000 hồ sơ điện tử qua Cổng một cửa quốc gia.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành 252/265 nhiệm vụ. Bộ đã cập nhật kết quả triển khai nhiệm vụ trên hệ thống theo dõi nhiệm vụ của Chính phủ.
Về cải cách hành chính, năm 2022, Bộ đã thẩm định các nội dung quy định thủ tục hành chính tại 12 dự thảo Thông tư và 62 thủ tục hành chính; tỷ lệ hoàn thành rà soát, đơn giản hóa 213%.
Tổng số thủ tục hành chính đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 32 thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa.
Hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ đã hoàn thành chỉ đạo xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Các đơn vị thuộc Bộ triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và hoàn thành 53/77 nhiệm vụ (đạt 70%), còn lại 24 nhiệm vụ chưa kết thúc sẽ chuyển sang năm 2023.
Điển hình như ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ phiên bản 2.0; phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nông minh giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản...
Chia sẻ về góc độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ông Nguyễn Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết nhiều đơn vị như Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật... là điểm sáng trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Năm 2023, ngoài hoàn thiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, trọng tậm là nghiên cứu, rà soát các vướng mắc ở thông tư đã ban hành.
Vừa qua, Bộ đã nhận được trên 50 văn bản có kiến nghị với 14 lĩnh vực cụ thể.
Hiện, Vụ đang trình lãnh đạo Bộ để các đơn vị chuyên môn rà soát để sớm sửa đổi tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
"Cùng với đó, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành thì Bộ sẽ phải rà soát lại các luật chuyên ngành để sửa đổi kịp thời nếu có," ông Nam cho hay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ vẫn có một số mục tiêu về cải cách hành chính chưa đạt được như mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Tình trạng chậm tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Một số đơn vị rà soát, xử lý văn bản sau rà soát văn bản chưa thật sự chú trọng; cơ chế quản lý hồ sơ, giấy tờ, văn bản điện tử còn nhiều bất cập, tổ chức bộ máy còn chồng chéo.
Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số đơn vị vẫn còn tình trạng trễ hạn, kiểm tra chuyên ngành còn sự chồng chéo giữa các đơn vị, việc số hóa hồ sơ giấy tờ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính còn chậm.../.