Bài học và phương hướng Ủy ban Kinh tế Quốc hội cần rút ra trong thực hiện nhiệm vụ là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; trong đó phải dựa vào 3 “điểm tỳ” là Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn cuộc sống.
Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ của Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XIV diễn ra chiều 24/3.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, nhiệm kỳ này, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam cũng như thế giới có nhiều biến động.
Nếu như trong những năm đầu nhiệm kỳ, kinh tế phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao thì đến cuối nhiệm kỳ chứng kiến sự ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam đã cơ bản giải quyết được các vấn đề phát sinh và được ghi nhận là một trong 4 nền kinh tế tăng trưởng dương ấn tượng trong năm 2020.
Trong điều kiện khó khăn, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã cùng Quốc hội và Chính phủ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ duy trì và phát triển nền kinh tế mà Đảng và nhân dân giao phó; đồng thời là đơn vị duy nhất thay mặt các Ủy ban của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra toàn diện từ kinh tế, tài chính-ngân sách, quốc phòng-an ninh, đối ngoại… trước Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cần tiếp tục phát huy vai trò cá nhân đặt trong quan hệ của tập thể và phối hợp tốt với các Ủy ban của Quốc hội; đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…
Với nền tảng đã có, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của cử tri, nhân dân cả nước.
Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của Quốc hội khóa XIV, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban luôn chú trọng đổi mới phương thức làm việc theo tinh thần Nghị quyết số 27/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, qua đó các nhiệm vụ của Ủy ban được triển khai, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.
Các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện đều bảo đảm thể chế hóa tối đa, đúng, đầy đủ, kịp thời, công khai các chủ trương, chính sách của Đảng, bám sát yêu cầu của đời sống kinh tế-xã hội; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm tính khả thi và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong hoạt động giám sát, Ủy ban đã chủ động tổ chức các phiên họp giải trình về các vấn đề kinh tế được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, đánh giá cao.
Trong hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban đã chủ động nghiên cứu, thu thập thông tin, phân tích thấu đáo vấn đề trước khi có ý kiến.
Theo đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã góp phần xây dựng, thông qua 13 luật, 2 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Quốc hội, 1 pháp lệnh và 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật; thẩm tra 9 báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội, 3 báo cáo của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, chủ trì xây dựng các nghị quyết 5 năm, hàng năm của Quốc hội về kinh tế-xã hội, nghị quyết 5 năm về cơ cấu lại nền kinh tế.
['Moody’s nâng 2 bậc tín nhiệm với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ']
Trong số này có một số dự án luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Đấu giá tài sản năm 2016; Luật Quản lý ngoại thương năm 2017; Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017, Luật sửa đổi bổ sung một số luật liên quan đến quy hoạch; Luật Cạnh tranh năm 2018; Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020...
Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã thực hiện giám sát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua do Ủy ban chủ trì thẩm tra.
Trước những vấn đề mà cử tri quan tâm và phản ánh, Ủy ban đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công 2 phiên giải trình, thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, cơ quan có liên quan.
Đặc biệt là phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội,” một số nội dung, kiến nghị cốt lõi đã được lựa chọn để gửi Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã chủ trì thẩm tra nhiều nội dung quan trọng như: trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…
Cùng đó, xây dựng nhiều báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội; phần lớn nội dung thể hiện tầm nhìn vĩ mô, xác định những chủ trương lớn và phương hướng phát triển trong dài hạn thuộc lĩnh vực kinh tế, một số nội dung đột xuất, cấp bách nhưng phức tạp và có tính nhạy cảm, đòi hỏi sự tham mưu ở tầm chiến lược...
Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hoạt động của Ủy ban Kinh tế Quốc hội Quốc hội khóa XIV rất thành công, để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực như: tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật; kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối lớn của Đảng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Tư duy xây dựng thể chế của nhiệm kỳ vừa qua được đổi mới rõ nét theo hướng kiến tạo, phát triển, vì lợi ích chung của đất nước; trong đó Ủy ban Kinh tế Quốc hội luôn đóng vai trò tiên phong với nhiều đóng góp quan trọng...
Đặc biệt, tạo ra những đột phá về thể chế kinh tế trong thời kỳ mới, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy nhanh quá trình hội nhập, phát triển đất nước.
Với tinh thần trách nhiệm cao, Ủy ban Kinh tế Quốc hội luôn chủ động tham gia, theo dõi sát sao, lắng nghe và tổ chức tham vấn, lấy ý kiến chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.
Nhờ đó, các báo cáo của Ủy ban luôn là tài liệu quan trọng tại mỗi Kỳ họp của Quốc hội; cung cấp những thông tin đánh giá tổng thể, góc nhìn đa chiều về tình hình kinh tế-xã hội, vấn đề kinh tế vĩ mô, quá trình xây dựng cũng như điều hành chính sách của các cơ quan hoạch định, quản lý và đưa ra những khuyến nghị chính sách quan trọng-Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.