Chuyên gia Nga đánh giá về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Bài viết của Tổng Bí thư góp phần phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh"

Theo Giáo sư Vladimir Kolotov, bài viết mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập những đặc điểm cụ thể của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vấn đề đang được dư luận ở Nga hết sức quan tâm.
"Bài viết của Tổng Bí thư góp phần phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh" ảnh 1Giáo sư-Tiến sỹ khoa học lịch sử Vladimir Kolotov trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” không những được dư luận trong nước đặc biệt quan tâm, mà các học giả quốc tế cũng hết sức chú ý.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Nga đã có cuộc trao đổi với Giáo sư-Tiến sỹ khoa học lịch sử Vladimir Kolotov thuộc trường Đại học tổng hợp Saint Petersburg về nội dung bài viết này.

Theo Giáo sư Vladimir Kolotov, bài viết mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập những đặc điểm cụ thể của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vấn đề đang được dư luận ở Nga hết sức quan tâm. Giáo sư đánh giá bài viết là một đóng góp quan trọng vào việc phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Giáo sư Kolotov nhận định: "Điều đáng nói là Việt Nam không áp dụng bất kỳ cách tiếp cận giáo điều nào, mà liên tục từng bước kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Cách tiếp cận này đã mang lại thành công rõ ràng cho Việt Nam."

Ông cho rằng Việt Nam đang phát triển một nền kinh tế hỗn hợp, với nhiều cơ cấu kinh tế khác nhau và nhà nước giữ vai trò kiểm soát chủ đạo. Mô hình này đã được chứng minh là thành công đối với Việt Nam.

[Bài viết của TBT Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam]

Giáo sư Vladimir Kolotov nêu rõ trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ ý kiến trên tinh thần xây dựng về những cải cách không thành công diễn ra ở Liên Xô, dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Xô Viết.

Tổng Bí thư cũng đã thẳng thắn chỉ ra điểm yếu của thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ tự do" mà phương Tây quảng bá, trong đó hệ thống quyền lực vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn, dẫn tới "dân chủ chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất."

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu ra những vấn đề mà Việt Nam hiện đại phải đối mặt và cách khắc phục. Chuyên gia Nga đặc biệt tâm đắc với ý kiến của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về việc cần quan tâm đến hiệu quả công việc, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và loại bỏ những người không xứng đáng.

"Bài viết của Tổng Bí thư góp phần phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh" ảnh 2Trên 123.000 cử tri của huyện Đan Phượng, Hà Nội sẽ đi thực hiện quyền công dân tại 139 khu vực bỏ phiếu. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Giáo sư Vladimir Kolotov nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho rằng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; tham nhũng, quan liêu, thoái hóa là những nguy cơ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng kiên quyết đấu tranh với những nguy cơ này.

Giáo sư Kolotov cũng đề cập tới vấn đề sự suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Giáo sư Kolotov phân tích: "Những nguy cơ khác, như âm mưu lật đổ chính quyền bằng diễn biến hòa bình..., tất cả đều có thể được giải quyết nếu có phát sinh. Tuy nhiên, nếu Đảng đánh mất lòng tin của quần chúng nhân dân thì đó sẽ là sự kết thúc của chế độ và sự kết thúc của nhà nước. Đây là những gì chúng ta thấy từ bài học lịch sử của Liên Xô, khi điều thứ năm của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của đảng bị hủy bỏ, cũng là lúc nhà nước sụp đổ."

Giáo sư Kolotov đánh giá Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động vì lợi ích của toàn thể nhân dân, do đó luôn được nhân dân ủng hộ. Theo Giáo sư, vai trò của Đảng đối với Nhà nước ở Việt Nam hết sức quan trọng.

Chuyên gia Nga lưu ý Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài viết: “Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục