Trong vài năm trở lại đây, chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều hình ảnh, có thể coi là những chỉ báo xã hội rất cụ thể, cho thấy nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân tăng cao, chẳng hạn như cách các gia đình sửa soạn đồ lễ tươm tất, chăm sóc hương hỏa chu đáo hay cảnh người dân tấp nập ở các lễ hội, di tích....
Nhu cầu này là chính đáng nhưng đã bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng để trục lợi. Vậy, người dân cần thực hành tín ngưỡng như thế nào để tránh mê lầm dẫn tới bị lừa đảo?
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, để phân tích vấn đề dưới góc độ văn hóa và xã hội học.
Sinh hoạt tín ngưỡng đồng hành cùng sự phát triển của xã hội
- Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu thực hành tín ngưỡng, tâm linh ngày nay của người dân?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Từ trong mỗi gia đình đến ngoài xã hội, chúng ta nhận thấy có việc chu đáo hơn trong cách biện lễ, chăm sóc hương hỏa. Điều này có thể có nhiều lý do như sự phát triển của đời sống kinh tế khiến xảy ra hiện tượng như cha ông ta đã từng đúc kết: “Phú quý sinh lễ nghĩa.”
Xã hội phát triển dẫn đến một số hệ lụy, mặt trái khiến cho nhiều người cảm thấy bất an, lo lắng và tìm đến với niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng như một sự an ủi, đền bù hư ảo, hay tác động của các phương tiện truyền thông mới (mạng xã hội) trong việc phổ biến thông tin, tạo ra những cộng đồng mạng để kết nối việc thực hành tín ngưỡng, tâm linh, từ đó cũng làm gia tăng nhu cầu này trong người dân.
Ngoài ra, cũng phải kể đến việc nhiều cá nhân, tổ chức đã xây dựng các địa điểm du lịch tâm linh, tạo ra những sinh hoạt tâm linh để kích thích nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân.
Theo ý kiến của riêng tôi, việc thực hành này có cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực. Tích cực ở chỗ, việc thực hành tín ngưỡng, tâm linh giúp người dân có tinh thần ổn định, có động lực để mỗi người có thêm quyết tâm thực hiện công việc của mình. Từ sự cố gắng và quyết tâm của mỗi người trong mọi việc, xã hội sẽ phát triển.
Thực hành tôn giáo, tín ngưỡng cũng giúp cho người dân hưỡng đến những giá trị tốt đẹp của chân-thiện-mỹ, từ đó giúp củng cố, bồi đắp những đức tính thiện lương của mỗi người. Nhờ vậy, xã hội cũng trở nên tốt đẹp hơn. Không những thế, thực hành tôn giáo, tín ngưỡng cũng là sự thực hành văn hóa truyền thống. Những giá trị văn hóa truyền thống, nhờ đó, được duy trì và củng cố bản sắc trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang cần những giá trị truyền thống để hội nhập quốc tế một cách có bản sắc để khẳng định sức mạnh văn hóa của mình.
Bên cạnh đó, việc thực hành này cũng có một số điểm tiêu cực như nó dẫn đến phục hồi một số hủ tục lạc hậu, đẩy một số người đến mức mê tín dị đoan, ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần, vật chất của mỗi cá nhân và các gia đình.
Nhiều sinh hoạt tâm linh, tôn giáo trước kia ít được thực hành rộng rãi như cúng sao giải hạn, gần đây đã trở nên phổ biến đến mức dư luận phải lên án vì sự phô trương của nó. Tôi nghĩ, chúng ta cần có sự cân đối, hài hòa giữa đời sống tâm linh, tôn giáo với đời sống xã hội bình thường vì bất cứ một điều gì thái quá cũng đều dẫn đến hệ lụy cho sự phát triển xã hội nói chung, con người nói riêng.
- Trước thực tế nhiều đối tượng dùng tâm linh, bùa ngải, cúng bái để trục lợi về kinh tế. Đáng chú ý hành vi này diễn ra ngay giữa thủ đô, chứ không phải nông thôn. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến khá nhiều hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để trục lợi, và điều đáng lưu ý là nhiều người có trình độ học vấn cao, có hiểu biết sâu về khoa học vẫn tin vào những điều mê tín dị đoan. Điều đó cho thấy có những yếu tố chi phối vào nhận thức của mọi người khiến họ tin vào những điều không có cơ sở khoa học. Tôi xin nêu vài ví dụ như việc sử dụng búp bê Kumathong, Câu lạc bộ Tình người hay vụ việc ở chùa Ba Vàng về thỉnh vong giải nghiệp. Nếu chúng ta chỉ giải thích từng hiện tượng, chúng ta sẽ bỏ quên những lý do mang tính bản chất của những tượng này.
Xã hội ở bất kỳ giai đoạn nào cũng cần tôn giáo, tín ngưỡng. Trước kia, con người đã từng tự tin rằng, khi khoa học phát triển, tôn giáo sẽ mất chỗ đứng và sẽ suy tàn. Thực tế không phải như vậy, vì tôn giáo, hay tín ngưỡng, đã không cạnh tranh với khoa học, mà bổ sung cho khoa học ở một điểm mà khoa học chưa thể giải thích được, đó là niềm tin, yếu tố tinh thần.
Xã hội nào, dù có phát triển đến mấy, thì vẫn có những bất ổn trong xã hội, trong đời sống tinh thần. Tôn giáo, tín ngưỡng giúp chúng ta có một niềm tin, sự an ủi để vững bước trong cuộc sống.
Như vậy, một phần quan trọng là đời sống kinh tế-xã hội có những bất ổn nhất định đã tác động đến tâm lý của nhiều người khiến đôi khi chúng ta cũng không rõ tại sao mình lại làm ăn tốt hơn lúc trước, hoặc ngược lại, tại sao một số bạn bè đồng nghiệp lại có những thăng tiến trong công việc, địa vị, còn mình thì không, tại sao đùng một cái mình lại mắc bệnh nan y…
Rất nhiều câu hỏi tại sao mà khó có câu trả lời rõ ràng khiến cho nhiều người tin vào số phận, tin vào may rủi, và tất cả đã đưa họ đến với việc trị liệu bằng tâm linh, trong đó có rất nhiều những hiện tượng mê tín dị đoan như chúng ta đang nói đến.
Để xử lý triệt để những hệ lụy
- Theo quan điểm của ông, cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông và các chuyên gia văn hóa cần vào cuộc như thế nào để cảnh báo người dân?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Theo tôi, thứ nhất vẫn là công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền hiện nay cũng cần có những cẩn trọng nhất định, nếu không, sẽ gây phản tác dụng, tức là thay vì lên án một hiện tượng nào đó thì chúng ta vô tình tạo ra sự tò mò, kích thích sự chú ý đến chính hiện tượng ấy.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các quy định xử phạt cụ thể và quan trọng hơn là khả thi. Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta có khá nhiều những qui định nhưng việc thực thi xử phạt lại không nghiêm, không có tác dụng răn đe, dẫn đến nhờn luật. Điều này nguy hại ở chỗ đã nhờn luật này thì sẽ tạo ra sự mất hiệu quả ở các luật khác, ảnh hưởng đến sự thượng tôn pháp luật chung của xã hội. Những người trục lợi tâm linh cần phải được xử lý nghiêm khắc đến mức họ không thể, không muốn và không dám lợi dụng nhu cầu tâm linh để trục lợi, để dẫn dụ người khác vào các hoạt động mê tín dị đoan.
[Đa cấp tâm linh: Khi mê tín, lừa đảo khoác chiếc áo 'Tình người']
Tiếp theo đó, các chuyên gia văn hóa cần phải trở thành những người chủ động, tích cực trong việc phân tích những điểm lợi, hại của việc thực hành tín ngưỡng, đặc biệt là đối với các hiện tượng mê tín dị đoan. Trong bối cảnh xã hội của thời đại Internet như ngày nay, thông tin rất nhiều, đến rất nhanh và trôi đi cũng rất nhanh, vì thế, chúng ta lại càng cần có những thông tin sâu để cạnh tranh với mạng xã hội, và các chuyên gia văn hóa chính là những người có thể cụ thể hóa được những điều đó.
Gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể cũng cần đóng vai trò tích cực trong việc tạo ra các sinh hoạt bổ ích, nhận thức đúng đắn về các sinh hoạt tâm linh không phù hợp.
Ở đây, tôi tin rằng, khi chúng ta tạo ra một đời sống văn hóa lành mạnh, gia đình văn hóa có khả năng đề kháng với những hiện tượng mê tín dị đoan, chúng ta sẽ hạn chế tối đa việc các hiện tượng này tác động tiêu cực đến người dân, từ đó, giúp chúng ta xây dựng văn hóa lành mạnh cho cả xã hội.
- Đối với người dân, họ cần làm gì để tự bảo vệ mình trước những ngã rẽ mê lầm?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Ranh giới giữa thực hành tôn giáo, tín ngưỡng với mê tín dị đoan khá mong manh, chỉ những hiểu biết rõ ràng, sâu sắc dựa trên thông tin đầy đủ mới giúp chúng ta thực hành tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn. Tôn giáo, tín ngưỡng chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp, vì thế sẽ khiến cuộc sống mỗi người trở nên hạnh phúc, đáng sống hơn nhờ theo đuổi những giá trị mà tôn giáo, tín ngưỡng đem lại. Vì vậy, để thực hành đúng tôn giáo, tín ngưỡng đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ bản chất của tôn giáo, tín ngưỡng.
Tôi thấy tôn giáo hay tín ngưỡng nào cũng dạy con người ta phải nghĩ tốt, sống tốt, làm điều tốt đẹp cho người khác. Khi chúng ta làm được những điều đó thì xã hội hẳn nhiên sẽ được tốt đẹp. Thêm vào đó, khi chúng ta thực hành tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn, chúng ta sẽ tạo ra gia phong, lối sống tôn trọng truyền thống trong gia đình.
Những yếu tố khác, không có căn cứ khoa học, không có ý nghĩa tinh thần, không phải là bản chất của tôn giáo, tín ngưỡng, và vì thế, không có lợi cho sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, cần phải được loại bỏ khỏi đời sống xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông./.