Trước nhiều luồng ý kiến cho rằng có tình trạng các đồ đựng thực phẩm như cốc nhựa, thìa, hộp đựng cơm... được làm từ nhiều loại nhựa tái chế, trong đó có chất thải y tế nguy hại.
Phân tích ở góc độ khoa học, phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhấn mạnh nhựa từ chất thải y tế có nguy cơ rất lớn đến môi trường cũng như đời sống hàng ngày. Đây là điều vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Nhựa bị thôi nhiễm có chứa chất gây ung thư
Theo phó giáo sư Thịnh, việc dùng loại nhựa trên để tái chế lại dùng cho ngành y tế hay sản xuất ra những đồ dùng dành cho ngành thực phẩm là bị cấm tuyệt đối.
Bởi hiện nay nhựa là một trong những nguyên nhân tạo nên những chất hòa tan trong thực phẩm, tạo nên những chất độc hại, tuy số lượng không lớn nhưng lại gây ra độc hại, nhất là những chất gây ung thư.
Đề cập đến xử lý chất thải trong y tế, phó giáo sư Thịnh thẳng thắn: “Tôi xin nhấn mạnh, chất thải y tế thuộc nhóm những loại chất thải được coi là độc hại. Đây là vấn đề đã được Nhà nước và Bộ Y tế khẳng định và quy định.
Trong chất thải y tế có rất nhiều nhóm khác nhau chẳng hạn như những loại liên quan đến bệnh phẩm thì cần được quản lý rất chặt… Đây là những vật nguy hiểm nếu như đưa ra ngoài môi trường không theo đúng quy trình sẽ gây ra ảnh hưởng rất xấu.”
Chẳng hạn như theo quy định, các sản phẩm liên quan đến ngành thực phẩm thì cần được làm từ nhựa nguyên khai, tức là nhựa sản xuất ban đầu, hoàn toàn tinh khiết. Trong ngành y tế và ngành dược họ cũng dùng loại nhựa như vậy, không được dùng nhựa tái chế.
Phó giáo sư Thịnh chỉ rõ: “Như theo phản ánh, làng nghề Triều Khúc họ tái chế nhựa như thế là tốt, nhưng việc tái chế dành cho ngành thực phẩm là điều cấm và đã được quy định.
Trong ngành công nghiệp thực phẩm nếu mà sử dụng thìa ăn, làm ống hút, làm những chiếc lọ đựng thực phẩm... thì đó là hỗn hợp nhựa không biết nguồn gốc và rất nhiều tạp chất từ rất nhiều loại nhựa khác nhau không kiểm soát được chất lượng của nhựa.
Trong khi chúng ta hiện nay chưa có công nghệ tinh chế nên cứ làm thành nhựa cắt ra rồi rửa bằng nước, làm sạch cát, đất rồi nấu thành hạt nhựa bán cho những người sản xuất, người đổ nhựa như vậy tôi cho rằng không đúng.”
Bởi vì nhựa sẽ bị thôi nhiễm ra thực phẩm và gây nguy hiểm cho thực phẩm, đặc biệt những loại như cốc, bát, thìa, dĩa, hộp đựng sữa chua, thìa ăn sữa chua, ống hút... dành cho ngành công nghiệp thực phẩm. Vị phó giáo sư trên cho rằng đó là một động thái không tốt và cần phải nghiêm trị.
Bài toán về cách sử dụng
Theo ông Thịnh, môi trường bệnh viện là một trong những nơi tập trung nhiều nhất những nguy cơ về bệnh tật có thể lan truyền ra bên ngoài cộng đồng xã hội và trong môi trường.
Vì vậy, Bộ Y tế đã có những quy định rất chặt chẽ về việc quản lý chất thải. Tuy nhiên, trong những loại chất thải y tế vẫn có một số loại được phép tái chế. Và theo phó giáo sư Thịnh, bài toán đặt ra ở đây là sử dụng như thế nào và sử dụng vào lĩnh vực nào là vấn đề quan trọng nhất.
Theo quy định của nhà nước, tất cả mọi chất thải đã được tái chế về nguyên tắc không được dụng cho những ngành rất nhạy cảm như thực phẩm hay y tế. Vì sao lại như vậy?
Phó giáo sư Thịnh phân tích, ở các nước phát triển, họ có thể dùng nhựa tái chế để sản xuất ra cái bàn, ghế... đặc biệt người ta có thể tận dụng loại nhựa đó để làm ra những ống nhựa dẫn nước thải rất tốt bởi nhựa đó chịu được ăn mòn tốt và gia công nhanh, tiện lợi.
Tuy nhiên, những loại nhựa đó không được dùng cho ngành thực phẩm. Bởi vì nhựa đó thải loại ra thì hỗn hợp nhựa nó không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm cho ngành thực phẩm.
Trước hết, theo phó giáo sư Thịnh, cần phải giáo dục cho những người sản xuất đồ nhựa đó nên dùng rác thải đó hữu ích như thế nào. Động tác họ làm rất tốt nhưng phải xử lý nếu không làm tốt thì cái hữu ích của họ trở thành vô ích đối với xã hội.
Dưới góc độ của một chuyên gia về lĩnh vực thực phẩm, ông Thịnh chia sẻ: “Tôi đề nghị về phía cơ quan quản lý của ngành y tế sau khi thu hồi chất thải y tế cần tập trung lại, tổ chức nào đó mua thì đồng thời phải có văn bản của bệnh viện ghi việc bán chất thải y tế để sử dụng việc khác, tuyệt đối không được sử dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm. Vì vậy, vừa có tác dụng giáo dục, vừa nhắc nhở, vừa làm tròn trách nhiệm của ngành y tế đối với cộng đồng.”
Bởi đã là chất thải thì dù là chất thải y tế hay chất thải dân dụng đều độc hại. Vì có thể người ta để lẫn lộn với chất thải bị phân giải khiến vi sinh vật, côn trùng phát triển thì tất cả những chất đó đều nguy hại. Vì vậy đối với những ngành sản xuất thuộc về tái chế, thu gom lại thì đầu tiên là quy trình, quy chế cho họ tiếp cận với cái đó cho an toàn. Bởi vì chính bản thân họ bị tác hại đầu tiên chứ không phải chờ đến khi ra ngoài cộng đồng.
Vấn đề là bệnh phẩm có nhiều điều nguy hiểm vì có những bệnh phẩm nó mang sẵn những vi khuẩn trực tiếp gây bệnh cho người. Chất thải ra môi trường thì nó mang những nguy cơ có khả năng lây nhiễm bệnh cho con người, trong trường hợp đó mức độ nguy hiểm khác nhau.
“Nếu ngành y tế không quản lý được vấn đề đó thì ra văn bản cấm bán và tiêu hủy hết. Rõ ràng, nếu chúng ta tiêu hủy thì gây ra một sự lãng phí lớn cần làm tách riêng ra, bản thân ngành y tế phải tự bảo vệ mình,” phó giáo sư Thịnh cho hay.
Xử phạt: Vẫn còn nhiều trở ngại
Quả thực, chất thải y tế nguy hại được “tuồn” về các làng nghề tái chế với đầy nguy cơ lây bệnh, song nhiều cơ sở tái chế vẫn bấp chấp sự nguy hiểm đó để nhập hàng trái phép.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, một cán bộ của Phòng cảnh sát môi trường Thành phố Hà Nội (PC49) cho hay, thực trạng tình hình gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố khá phổ biến như vi phạm về công tác xử lý nước thải chưa được thường xuyên, triệt để; việc vận hành máy xử lý nước thải hay gặp sự cố.
Đặc biệt, trong công tác xử lý chất thải y tế nguy hại chưa được xử lý triệt để như 18 trong tổng số 49 bệnh viện do Sở Y tế Hà Nội quản lý vẫn còn sử dụng lò đốt từ khâu vận hành xử lý không đúng quy định (đốt không hết, nơi lưu giữ không đảm bảo gây ô nhiễm môi trường xung quanh).
Về phòng khám tư nhân, theo báo cáo từ cảnh sát môi trường Thành phố Hà Nội, hiện nay tình trạng xử lý chất thải y tế nguy hại có 877/1769 phòng khám tư nhân có ký hợp đồng xử lý chất thải y tế nguy hại với Công ty cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp 10 (URENCO 10) nhưng thực tế số lượng bàn giao theo đúng quy định cho URENCO 10 rất nhỏ.
Về vấn đề xử lý nước thải, các phòng khám thường thuê nhà tư nhân để kinh doanh nên đa số nước thải không được xử lý. Bên cạnh đó, hệ thống nước thải bị bêtông hóa khiến lực lượng chức năng không lấy được mẫu nước thải gây khó khăn cho công tác xử phạt.
Trao đổi về công tác đấu tranh với việc “tuồn” chất thải y tế nguy hại ra bên ngoài, một cán bộ PC49 cho biết: “Hiện nay công tác đấu tranh của chúng tôi còn hạn chế, với những đơn vị cung cấp chất thải y tế nguy hại thì bệnh viện và đơn vị được giao phải chịu trách nhiệm đến khi tiêu hủy.
Điều mà chúng tôi lo lắng hiện nay là URENCO 10 có xử lý thực tế hay không? Đây là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi lo ngại năng lực của họ, vì một mình URENCO 10 độc quyền tất cả các bệnh viện, trong khi đó năng lực thu gom trên một địa bàn rộng lớn như Hà Nội khó đảm bảo được.”
Bởi URENCO 10 đã ký hợp đồng với các bệnh viện và phòng khám. Bệnh viện thì họ có thể thu gom, nhưng các phòng khám có thể họ không thường xuyên đến thu gom được dẫn đến tình trạng nhiều khi chất thải y tế không được quản lý, không được lưu giữ và vận chuyển đến nơi an toàn mà có thể đổ lẫn với rác thải y tế sinh hoạt.
Thông tin từ Phòng cảnh sát môi trường Thành phố Hà Nội cũng cho thấy, trong năm 2012, URENCO thu 1,7 triệu kg chất thải y tế nguy hại. Năng lực của họ có hai lò đốt với năng lực tiêu hủy 1,7 tấn chất thải y tế nguy hại/năm.
Hiện nay, URENCO 10 có 4 ôtô chuyên dụng đi thu gom chất thải y tế nguy hại, công ty cũng mới xin thêm được 7 chiếc xe máy để vào những phòng khám nhỏ trong khu dân cư chở chất thải ra.
Bên cạnh đó, qua công tác đấu tranh của Phòng cảnh sát môi trường Thành phố Hà Nội cho thấy, việc ra quyết định xử phạt rất khó khăn. Như trường hợp một công ty chuyên thu gom chất thải y tế, trong đó có chất thải y tế nguy hại đã bị Phòng cảnh sát môi trường Thành phố Hà Nội phát hiện và bắt năm 2012. Điều khó khăn là sau đó công ty này đã xóa sổ, bỏ trốn khiến lực lượng chức năng không tiến hành xử phạt được...
Về chế tài xử phạt đối với các đơn vị làm sai quy định liên quan đến chất thải y tế nguy hại, vị cán bộ trên cho hay, việc xử phạt được tiến hành theo Nghị định số: 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo đó, Chế tài xử phạt quy định trong nghị định trên thì căn cứ theo từng trường hợp, với những tổ chức (bệnh viện, đơn vị được ký hợp đồng thu gom) mức phạt tối đa gấp 2 lần cá nhân, mức cao nhất có thể lên tới 2 tỷ, căn cứ tùy theo hành vi. Với cá nhân, mức phạt cao nhất là 1 tỷ.
Với bệnh viện có tình trạng “tuồn” chất thải y tế nguy hại ra bên ngoài lực lượng công an khi phát hiện và bắt quả tang sẽ xử phạt theo tổ chức. Quan trọng nhất là đối tượng đưa chất thải y tế nguy hại là ai để xử lý.
Còn đối với hộ gia đình, cơ sở cá thể, khi lực lượng chức năng bắt và phát hiện ra những sai phạm thì xử lý, phạt theo quy định. Thực sự trong quá trình,với những hộ nhỏ lẻ nhưng mức phạt quá cao thì hiệu lực thi hành rất khó, việc thực thi quyết định xử phạt khó, không hề đơn giản. Chế tài xử phạt cao với hộ kinh doanh cá thể.
Vị cán bộ Phòng cảnh sát môi trường Thành phố Hà Nội cũng cho hay, đối với những trường hợp như phản ánh của Vietnam+ , họ sẽ khẩn trương rà soát để lập lại trật tự, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân và an toàn môi trường./.
Các bài khác:Bài 1: 500 tấn rác y tế thải ra mỗi ngày đang "đi" về đâu?
Bài 2: Quản lý rác thải y tế - trách nhiệm thuộc về ai?
Vụ rác thải y tế: Bộ Y tế phản hồi thông tin Vietnam+ phản ánh