Bài toán rác thải cho gần 1.000 tàu du lịch và bè cá ở Hạ Long-Cát Bà

Chiều 6/7, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã tổ chức cuộc họp cấp cao lần thứ ba Sáng kiến Liên minh Hạ Long-Cát Bà nhằm tìm kiếm giải pháp "xanh" để bảo tồn vùng Di sản thiên nhiên thế giới.
Cuộc họp cấp cao lần thứ ba Sáng kiến Liên minh Hạ Long-Cát Bà. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chiều 6/7, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã tổ chức cuộc họp cấp cao lần thứ ba Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà, nhằm đánh giá thực trạng xả thải và hoạt động bảo vệ môi trường của hơn 500 tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long.

Cuộc họp cũng thảo luận những tác động tiêu cực của rác thải rắn và phao xốp tại vịnh Hạ Long và quẩn đảo Cát Bà đối với môi trường. Qua đó, đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp giữa chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Phát biểu tại buổi họp, ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long nhấn mạnh, vịnh Hạ Long là vùng biển đảo rộng lớn, có nhiều tàu thuyền hoạt động. Vì thế, việc quản lý chất thải trên vùng vịnh còn gặp nhiều khó khăn, bởi ý thức bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp tàu thuyền còn thấp.

“Ngoài ra, do tiếp giáp với khu vực biển Cát Bà - vùng đang có rất nhiều nhà hàng nổi, lồng bè vốn sử dụng rất nhiều phao nổi nên khi thủy triều lên, rác đã dạt sang, làm ảnh hưởng đến môi trường vịnh Hạ Long,” ông Huy chia sẻ.

Ông Huy cũng nhấn mạnh, cùng một hệ sinh thái ven biển và có sự tương tác chặt chẽ với nhau, nên mọi hoạt động phát triển (nhà nổi, nuôi cá lồng bè…) từ phía Cát Bà sẽ gây tác động trực tiếp đến vịnh Hạ Long và ngược lại. Vì thế, sự phối hợp cả hai địa phương trong việc quản lý, bảo vệ môi trường như xử lý rác/nước thải là rất cần thiết để bảo tồn các hệ sinh thái ven biển.

Quang cảnh vùng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chánh Văn phòng Ban quản lý Di sản quần đảo Cát Bà cho biết, Cát Bà hiện còn 486 bè nuôi, với hơn 8.600 ô lồng và 463 gian bè tập trung. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, việc nuôi cá lồng bè ở đây cũng đã và đang làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây ra ô nhiễm nguồn nước, khiến các rạn san hô đang có xu hướng ngày càng giảm.

Theo ông Tuân, một trong những khó khăn vướng mắc của Cát Bà là chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước/rác thải tại Cát Bà nhằm mở rộng và xây mới các điểm thu gom, xử lý nước/rác thải sinh hoạt, đặc biệt là nước thải từ các hoạt động tàu bè.

“Trong bối cảnh lượng dân cư và tàu bè trên đảo đang có xu hướng tăng lên theo từng năm, nếu không có hướng xây dựng bổ sung thì sẽ dẫn đến quá tải tại các điểm xử lý,” ông Tuân nói.

Dựa trên tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng kiến nghị, các bên liên quan "chung tay" tìm kiếm những giải pháp cho việc phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè, cũng như tìm các giải pháp "xanh" để cải thiện môi trường cho vùng di sản.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Công ty Ecotank đã đưa ra kết quả đánh giá và một số khuyến nghị các phương án xử lý nước thải cho các du thuyền tại vịnh Hạ Long như: Áp dụng việc thu phí đối với doanh nghiệp, người dân nếu sử dụng túi nilon; hạn chế và quản lý chặt chẽ việc sử dụng phao xốp; đưa hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải đối với các tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long và khu vực Cát Bà./.

Với nguồn vốn hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ, Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà được khởi xướng vào năm 2014, nhằm xây dựng cơ chế hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, từ đó thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường tại vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.

Năm 2015, Liên minh thành lập Ban lãnh đạo với định hướng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, tập trung vào hai nội dung chính là triển khai chương trình chứng chỉ du lịch bền vững cho các công ty kinh doanh du thuyền và hỗ trợ kỹ thuật cho UNESCO trong công tác quản lý vịnh Hạ Long, cũng như đề xuất mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục