Theo đánh giá chung từ các chuyên gia, kinh tế Việt Nam đang bắt đầu phục hồi đồng thời đi vào ổn định và nếu vượt qua được những ảnh hưởng từ vụ việc “căng thẳng Biển Đông” thì Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%.
"Sức khỏe" nền kinh tế được cải thiện
Khảo sát mới đây nhất từ Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) cho thấy, chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) tại Việt Nam trong quý 2/2014 đã tăng lên mức 66 điểm (tăng 7 điểm so với quý 1/2014) và đây là mức điểm của giai đoạn thịnh vượng năm 2011.
Các doanh nghiệp châu Âu cho biết, phần nào đã tin tưởng vào triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam, với mức 46% kỳ vọng “ổn định và cải thiện”.
Trước đó, Tổng cục Thống kê-Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã công bố tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2014 tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013 (cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm trở lại đây); trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, dịch vụ tăng 5,95%.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm phân tích, quan sát các chỉ tiêu kinh tế trong 7 tháng gần đây (từ 3 tháng cuối của năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014) cho thấy các chỉ số dự báo trong cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều gia tăng. Dấu hiệu trên chỉ ra, sức khỏe của khối doanh nghiệp cũng như nền kinh tế đang dần phục hồi.
Bên cạnh đó ông Kiêm nhấn mạnh, chỉ số lạm phát tăng ở mức thấp (CPI trong 5 tháng qua tăng 4,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2013) đã tạo điều kiện cho lãi suất tín dụng tiếp tục giảm, tỷ giá duy trì ổn định, theo đó chỉ số ICOR (chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) cũng có điều kiện giảm xuống.
“Thêm vào đó, ngay từ đầu năm Chính phủ đã có những biện pháp mạnh tay sắp xếp, cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước… và đến nay cũng đã có chuyển biến mới,” ông Kiêm nói.
Chủ động vượt “sốc”
Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều ghi nhận tín hiệu “thoát đáy” của kinh tế Việt Nam, tuy nhiên trong một diễn biến bất ngờ về vụ việc “tranh chấp Biển Đông” đã khiến không ít người đặt ra lo ngại về những tác động tiêu cực của nó tới các chỉ tiêu kinh tế.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội hồi cuối tháng Năm đặc biệt quan ngại “cú sốc” trên sẽ tác động đến hoạt động thương mại giữa hai nước nước và có thể gây ra một giai đoạn khó khăn cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Thành-Giám đốc VEPR cho biết, “thời điểm cuối tháng Ba, Nhóm nghiên cứu vẫn lạc quan với kịch bản GDP phục hồi nhẹ ở mức 5,6%-5,9%, với thực tế là kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi trong sản xuất.
Song, Việt Nam đang nhập khẩu ròng về nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, máy móc và dịch vụ xây dựng nhiều công trình năng lượng và hạ tầng đồng thời là nhà xuất khẩu ròng nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng như cao su, gạo, hoa quả… với thị trường Trung Quốc, nên nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Do đó, ông Thành thậm chí còn đưa ra mức dự báo kịch bản tăng trưởng GDP của năm 2014 ở mức thấp khoảng 4,15% và kịch bản cao là 4,88%.
Ông Kiêm cũng cho rằng tác động ảnh hưởng về thương mại và kinh tế với Trung Quốc là không tránh khỏi. Trong giai đoạn tới, chắc chắn Việt Nam sẽ phải thay đổi một số chiến lược phát triển và điều này ít nhiều tác động tới cơ cấu tăng trưởng cũng như đời sống dân sinh, gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Không quá bi quan, các chuyên gia tại Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lại có một góc nhìn khác. Báo cáo phân tích của VAFI cho rằng, trong trường hợp nếu có khó khăn trong hoạt động thông thương, thì chi phí nhập khẩu chỉ có thể tăng ở khâu vận chuyển do hàng hóa thương mại sẽ vòng qua nước thứ ba.
Thêm vào đó có một khả năng khác, “cú sốc” trên sẽ khiến doanh nghiệp trong nước ý thức hơn trong việc tìm kiếm một nguồn cung cấp thay thế từ các nước khác, mặc dù mức giá có thể đắt hơn 5%-10% so với nguồn cung từ Trung Quốc nhưng bên cạnh đó chất lượng sẽ cao hơn.
“Nếu như giá bán sản phẩm của Việt Nam đồng loạt tăng lên khoảng 10% do nguồn nguyên liệu tăng lên thì người mua (các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia) vẫn dễ dàng chấp nhận vì họ không có lựa chọn nào khác. Trên thực tế giá thành sản phẩm chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá bán lẻ,” theo VAFI.
"Xắn tay" hành động
Trước vụ việc trên, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đã có những giải pháp quyết liệt và cụ thể để có thể hạn chế mức thấp nhất những tác động tiêu cực đồng thời có những quyết sách ứng phó mang tính chiến lược.
Hơn thế nữa, năm 2015 được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015).
Ngày 14/6 vừa qua, Thủ tướng đã ra Chỉ thị 14/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó khẳng định quyết tâm đạt mức tăng trưởng GDP trong năm 2014 ở mức khoảng 6%-6,2%.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP và Chỉ thị số 11/CT-TTg, được cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế đánh giá cao.
Song để Nghị quyết và các Chỉ thị trên có thể phát huy hiệu quả trên thực tiễn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thúc giục các bộ ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình hành động, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết những vướng mắc và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp…; công bố công khai các kết quả thực hiện đồng thời huy động sự tham gia và đề xuất sáng kiến của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc giám sát, phối hợp và đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình hành động.
Bên cạnh những giải pháp ứng phó mang tính chiến lược từ chính sách Nhà nước, đại diện của VAFI chỉ ra, theo số liệu thống kê năm 2013, Việt Nam nhập khẩu ròng từ Trung Quốc khoảng 27 tỷ USD, nên nếu người dân Việt Nam ủng hộ hàng hóa trong nước và giảm con số nhập siêu xuống còn một nửa trong vài năm tới thì sẽ có thêm công ăn việc làm cho người lao động đồng thời thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế trong nước.
“Trong tình hình hiện nay, mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam nên thể hiện lòng yêu nước bằng việc tích cực sử dụng hàng sản xuất trong nước để giúp cho doanh nghiệp nội địa được mạnh lên, được độc lập hơn đồng thời mở rộng sản xuất giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, trong đó có cả người tiêu dùng,” vị đại diện này nhấn mạnh./.