Bài toán lựa chọn giảm sản xuất nhựa hay quản lý rác thải nhựa

Các cuộc đàm phán kéo dài suốt tuần tới do Liên hợp quốc chủ trì tại Nairobi, Kenya, sẽ tập trung thảo luận nên đưa lựa chọn nào vào văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề ô nhiễm nhựa.
Vỏ chai nhựa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang hướng tới thỏa thuận đầu tiên về kiểm soát ô nhiễm nhựa, quá trình đàm phán hiện nay được đánh giá là khó khăn trong việc xác định có nên hạn chế lượng nhựa sản xuất ra, hay chỉ tập trung vào việc quản lý rác thải nhựa.

Các cuộc đàm phán kéo dài suốt tuần tới do Liên hợp quốc chủ trì tại Nairobi, Kenya, sẽ tập trung thảo luận nên đưa lựa chọn nào vào văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề ô nhiễm nhựa. Các nước hiện đang cố gắng đạt được mục tiêu này trước cuối năm 2024.

Liên minh châu Âu (EU) cùng hàng chục quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Canada và Kenya đã kêu gọi có một hiệp ước mạnh với các điều khoản mang tính ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng nhựa nguyên sinh, được tạo ra từ quá trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ, cũng như xóa bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa gây ô nhiễm, như PVC và các loại nhựa chứa các nguyên vật liệu độc hại.

Quan điểm này vấp phải sự phản đối từ các nước xuất khẩu dầu mỏ, sản phẩm hóa dầu và nhựa như Saudi Arabia. Theo những quốc gia này, hiệp ước tương lai cần tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa - việc này được đề cập bằng khái niệm “quay vòng” nguồn cung nhựa.

Trong một đề xuất nêu ra trước cuộc đàm phán lần này, Saudi Arabia cho rằng nguồn gốc của ô nhiễm nhựa là “việc quản lý chưa hiệu quả” rác thải nhựa.

[Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn: Hướng tới giảm rác thải nhựa]

Mỹ lúc đầu kỳ vọng về một hiệp ước có thể kết hợp các kế hoạch quốc gia về kiểm soát nhựa. Tuy nhiên, nước này đã thay đổi lập trường trong những tháng gần đây khi cho rằng hiệp ước phải dựa trên các kế hoạch quốc gia, nhưng những kế hoạch này phải phản ánh những mục tiêu “có ý nghĩa và khả thi” đã được nhất trí toàn cầu trong giảm rác thải nhựa.

Trong khi đó, Hội đồng quốc tế của Hiệp hội hóa chất muốn hiệp ước phải bao gồm các biện pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đối với nhựa.

Theo người phát ngôn Hội đồng này Matthew Kastner, hiệp ước tương lai nên “tập trung vào chấm dứt ô nhiễm nhựa, chứ không phải chấm dứt sản xuất nhựa.”

Ngày 11/11, Saudi Arabia đã công bố thành lập liên minh mang tên Liên minh toàn cầu về Nhựa bền vững, với các thành viên gồm Nga, Iran, Cuba, Trung Quốc và Bahrain nhằm thúc đẩy hiệp ước tập trung vào rác thải nhựa thay vì sản xuất nhựa.

Saudi Arabia và một số nước sản xuất nhựa khác đang thúc đẩy cách tiếp cận “từ dưới lên,” theo đó từng nước riêng rẽ sẽ chịu trách nhiệm trả chi phí làm sạch, sức khỏe và môi trường liên quan đến nhựa và hóa chất, và không đề cập đến nhiên liệu hóa thạch hay ngành công nghiệp nhựa.

Trong các cuộc thảo luận vào tuần tới, các nước cũng sẽ thảo luận xem liệu hiệp ước có nên đặt ra tiêu chuẩn về minh bạch việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nhựa hay không.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 12/11, một nhóm gồm 20 nhà khoa học quốc tế đã gửi thư ngỏ tới các nhà đàm phán, trong đó đề nghị nên đưa vấn đề sức khỏe làm trọng tâm đàm phán, hướng tới một hiệp ước giúp giảm lượng nhựa sản xuất ra cũng như thực hiện các bước “kiểm tra phù hợp đối với tất cả hóa chất có trong nhựa.”

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, thế giới hiện thải ra khoảng 400 triệu tấn mét rác nhựa mỗi năm, trong đó chưa đến 10% được tái chế. Lượng rác thải này dự kiến sẽ tăng lên trong các thập kỷ tới khi các công ty dầu mỏ, vốn cũng thường sản xuất nhựa, đang tìm các nguồn mới tạo doanh thu trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ngày nay, khoảng 98% nhựa dùng một lần có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục