Bài toán khó về quyền tự chủ của EU qua việc phân phối vắcxin COVID-19

Cuộc khủng hoảng COVID-19 thực sự đã làm nổi bật sự phụ thuộc đáng kể của EU vào các ngành công nghiệp dược phẩm của Trung Quốc và Ấn Độ cũng như các công ty dược phẩm sản xuất vắcxin phòng COVID-19.
Bài toán khó về quyền tự chủ của EU qua việc phân phối vắcxin COVID-19 ảnh 1Tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Hãng dược phẩm AstraZeneca cho giáo viên tại Sosnowiec, miền Nam Ba Lan, ngày 12/2/2021. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Một năm sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lại gặp nhau qua màn hình trong các ngày 25-26/2 để thảo luận về tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, đẩy liên minh vào những tình huống “lực bất tòng tâm.”

Các nhà lãnh đạo cũng dành thời gian bàn thảo về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, với tham vọng "để EU có thể tự đứng trên đôi chân của chính mình."

Đối mặt với sự lan rộng của các biến thể virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - biến thể B117 ở Anh hiện đã có mặt tại tất cả 27 quốc gia thành viên EU, trong khi biến thể Nam Phi được ghi nhận ở 14 quốc gia và biến thể ở Brazil xuất hiện tại 7 quốc gia, lãnh đạo 27 nước EU đã không giấu nổi sự lo lắng.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, lãnh đạo quốc gia EU chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay, đánh giá rằng đó là một thảm họa đối với đất nước ông. 

Trong khi đó, tiến trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp do thiếu hụt nguồn cung vắcxin trong ngắn hạn, dù khối đã đi tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và cũng đã đặt trước một lượng lớn vắcxin. Hiện mới chỉ có 4,8% người dân EU được tiêm chủng, con số này cho thấy chiến lược tiêm chủng vắcxin của EU đang tụt hậu so với một số nước, cụ thể như trên 50% người dân Israel đã được tiêm chủng, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 14% và ở Anh là 28%. 

Nhiều nước thành viên EU đã phải tạm dừng những mũi tiêm vắcxin đầu tiên vì thiếu thuốc. Các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca đều đã thông báo về sự chậm trễ đáng kể trong sản xuất và giao hàng. Tình hình đã buộc Ủy ban châu Âu phải vào cuộc, đặt ra câu hỏi về khả năng của cơ quan điều hành trong việc tác động đến hành vi của các phòng thí nghiệm.

[EU cảnh báo các nước không vội dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch]

Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides đánh giá lịch trình mới do hãng AstraZeneca đề xuất (75% số lượng thuốc được lên kế hoạch cho quý đầu tiên sẽ bị giao trễ) là "không thể chấp nhận được" và EU đã buộc các công ty sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 trong khối phải báo cáo mọi hoạt động xuất khẩu đến nước thứ ba.

Đây được cho là biện pháp đề phòng vắcxin bị chuyển hướng đến các cường quốc cạnh tranh. AstraZeneca trước đó thông báo sẽ chỉ cung cấp 30% lượng vắcxin so với dự kiến trong quý đầu tiên. Trong quý 2, hãng này có thể cắt giảm một nửa lượng vắcxin phân phối cho EU so với cam kết.

Trước tình hình chiến dịch tiêm chủng tiến triển quá chậm ở EU, Ủy ban châu Âu hứa hẹn sẽ tăng mạnh số lượng liều vắcxin trong quý 2 tới nhờ vào các đơn đặt hàng mới với Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như cấp phép lưu hành vắcxin của hãng Johnson & Johnson, dự kiến vào tháng 3, đồng thời gây áp lực liên tục để các phòng thí nghiệm thực hiện những cam kết trước đó.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, vào cuối tháng 6, EU dự kiến sẽ nhận được gần 600 triệu liều vắcxin. Ngoài ra, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội bộ Thierry Breton cũng được giao nhiệm vụ cùng các nhà sản xuất tìm kiếm giải pháp để tăng năng lực sản xuất vắcxin trên "Lục địa già."

Vào cuối năm nay, EU sẽ có thể "sản xuất từ 2 tỷ đến 3 tỷ liều thuốc mỗi năm." Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU vẫn tỏ ra hoài nghi, không tin tưởng vào khả năng sản xuất của các phòng thí nghiệm.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 thực sự đã làm nổi bật sự phụ thuộc đáng kể của EU vào các ngành công nghiệp của Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 1990, EU từng sản xuất tới 80% lượng thuốc tiêu thụ. Ngày nay, Trung Quốc và Ấn Độ cung cấp tới 80% nguyên liệu thô cần thiết cho lĩnh vực sản xuất dược phẩm của châu Âu.

Do đó, việc ký hợp đồng với các phòng thí nghiệm tại châu Âu là để đảm bảo rằng quá trình sản xuất thuốc sẽ được thực hiện trên đất châu Âu và điều này mang ý nghĩa rất quan trọng. Ví dụ như việc ký hợp đồng với phòng thí nghiệm của Pháp Sanofi, mặc dù vắcxin mà họ sản xuất với sự hợp tác của GSK của Anh sẽ không có sẵn trước năm 2022, nhưng điều này sẽ cho phép EU giành lại một số quyền tự chủ trong chuỗi sản xuất dược phẩm, một vấn đề chính trị nổi cộm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Bài toán khó về quyền tự chủ của EU qua việc phân phối vắcxin COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại sân bay Fiumicino, Rome, Italy, ngày 11/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với cùng một dây chuyền, Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca đều sở hữu ít nhất một phần năng lực sản xuất của các hãng này trên lãnh thổ của EU.

Mặt khác, các dấu hiệu đáng báo động nhất định đối với chủ quyền của châu Âu đã xuất hiện, chẳng hạn như việc từ bỏ chương trình nghiên cứu do Viện Pasteur khởi xướng. Cuộc chạy đua phát triển vắcxin làm sống lại những tranh luận về tình trạng "chảy máu chất xám" trong nghiên cứu ở các nước EU. Những nhà nghiên cứu sáng giá nhất của Pháp đang "bị hút" vào hệ thống của Mỹ.

Một lý do khác gây lo ngại là khó khăn của các nước châu Âu trong việc thu lợi từ nghiên cứu của chính họ. Tờ Die Welt đánh giá "thành quả của nghiên cứu vắcxin của hãng BioNTech (Đức) được phổ biến rộng rãi ở Mỹ nhưng vẫn là hàng hiếm ở Đức." Một phát hiện còn chua chát hơn là phòng thí nghiệm Valneva, có trụ sở tại Nantes (Pháp), thực sự đã nhận được đơn đặt hàng từ Chính phủ Anh, trong khi Pháp vẫn chưa đưa ra quyết định.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 cùng mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương bị sứt mẻ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến EU phải tiếp tục thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược.

Trong kết luận hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần này, các nhà lãnh đạo EU cho biết trước tình hình bất ổn toàn cầu gia tăng, EU phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình. Lãnh đạo 27 quốc gia đang nỗ lực tìm cách tăng cường quan hệ đối tác giữa EU với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hợp tác chặt chẽ với ban lãnh đạo mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố EU muốn hành động một cách chiến lược hơn nhằm bảo vệ lợi ích và thúc đẩy các giá trị của chính mình. EU cần tăng cường khả năng hành động tự chủ và tăng cường hợp tác với các đối tác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đây rõ ràng lại bài toán không dễ giải quyết.

Vấn đề hợp tác giữa Mỹ và EU có thể được thúc đẩy hay không còn phụ thuộc vào việc nước Mỹ sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch như thế nào. Tổng thống Joe Biden hiện phải tập trung vào những vấn đề đối nội hơn là ưu tiên cho quan hệ với đồng minh.

Trong khi đó, vấn đề hợp tác NATO-EU rõ ràng là không mới và đã trở thành trọng tâm của quá trình phát triển Chính sách Quốc phòng và An ninh chung của EU kể từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước. Điều này liên quan đến ít nhất ba cấp độ tranh luận về các nội dung như mối quan hệ và tính bổ sung giữa hai tổ chức, vấn đề các quốc gia châu Âu làm gì trong NATO và mối liên kết xuyên Đại Tây Dương rộng lớn hơn.

Mặc dù vậy, 20 năm tranh luận và hợp tác giữa EU và NATO đã không thể làm rõ được những gì hai bên cần phải làm trong mối quan hệ hợp tác. Quan trọng nhất, việc thúc đẩy hợp tác NATO-EU bị cản trở bởi một loạt mục tiêu và cam kết chưa từng đạt được, cũng như những xích mích về các vấn đề như sự trùng lặp, chồng chéo, quyền tự chủ chiến lược của châu Âu và chia sẻ gánh nặng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục